Blogroll

Chu Du

Chu Du hay Châu Do (chữ Hán: 周瑜; 175 - 210) , tên tự là Công Cẩn (公瑾), là danh tướng của nước Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Trong bộ truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa của nhà văn La Quán Trung có viết rằng do Chu Du tuấn tú và rất giỏi âm luật nên được gọi là Mỹ Chu Lang (美周郎). Ông là một nhà quân sự tài ba, chuyên về thủy chiến, chức vụ chính thức là Đại Đô Đốc (Grand Admiral), nên được gọi là Chu Đô Đốc. Chu Du nổi tiếng với chiến thắng ở sông Xích Bích trước quân Tào Tháo, là trận chiến lớn nhất thời đó.


Thời trẻ

Chu Du sinh ra và lớn lên tại huyện Thư, quận Lư Giang. Lư Giang thuộc vùng Hoài Nam của Trung Nguyên, nhưng rất gần đất Ngô-Việt, ngày nay là Thư Thành, An Huy thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Gia đình Chu Du đều là danh sĩ, cha ông là Chu Dị từng làm quan huyện Lạc Dương, ông nội ông là Chu Cảnh và chú là Chu Trung từng làm quan Thái úy. Một người chú của Chu Du là Chu Thượng có thời gian làm Thái thú Đan Dương.
Chu Du thời trẻ chơi với Tôn Sách, con của Tôn Kiên, hai người thân nhau như anh em. Khi Tôn Kiên bị giết trong cuộc chiến với Lưu Biểu, họ Tôn một thời gian dài chịu sự khống chế của Viên Thuật. Năm 20 tuổi, Tôn Sách bắt đầu khởi binh ở Lịch Dương, chinh phạt Giang Đông. Chu Du đem binh lương giúp Tôn Sách, và sau đó theo Tôn Sách đánh dẹp khắp nơi, trở thành khai quốc công thần.
Năm Chu Du 24 tuổi đánh chiếm Hoãn Thành và cùng với Tôn Sách đi cầu hôn 2 cô con gái xinh đẹp của Kiều Công. Tôn Sách cưới Đại Kiều, còn Chu Du cưới Tiểu Kiều.

Mưu sĩ

Năm 200, Tôn Sách bị thích khách bắn bị thương rồi chết. Chu Du chuyển từ thành Ba Khâu về Ngô Quận để giúp đỡ Tôn Quyền, lúc ấy còn nhỏ.
Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu và đòi Tôn Quyền đưa con trai đến làm con tin. Trương Chiêu sợ có chiến tranh nên không dám quyết định, nhưng Tôn Quyền nghe lời Chu Du và cương quyết từ chối. Tào Tháo cho một người tên là Tưởng Cán, là người quen của Chu Du đến dụ ông, nhưng Tưởng Cán về báo rằng "Chu Du là người có chí hướng cao vời, không thể thuyết phục được".
Năm 208, Lưu Bị thua chạy khỏi đất Trung Nguyên. Lưu Biểu chết bệnh, con là Lưu Tông đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo chiếm được Kinh Châu, lấy danh nghĩa của Hán đế để yêu cầu Tôn Quyền đầu hàng. Lưu Bị cũng cho sứ giả cầu cứu. Các quan nước Ngô chia làm 2 phe, phe chủ hàng do Trương Chiêu cầm đầu, phe chủ chiến do Chu Du và Lỗ Túc đứng đầu. Chu Du phân tích cho Tôn Quyền tình hình chiến lược như sau:
  • Địa thế: Đất Ngô có sông bao bọc. Tào Tháo không có thủy quân giỏi.
  • Tình thế: Tào Tháo chưa bình định xong vùng Tây Lương, không thể ở lâu.
  • Thời điểm: Đang là mùa đông, đất Ngô khí hậu ẩm ướt, quân phương Bắc sẽ sinh bệnh.
Tôn Quyền cho Chu Du và Trình Phổ đi hợp quân với Lưu Bị. Quân Tào đóng ở bờ bắc sông Xích Bích, quân Ngô đóng ở bờ nam.

Trận Xích Bích

Quân của Chu Du ít hơn nhiều, nhưng lại chiếm ưu thế về thủy chiến, Tào Tháo không thể qua sông nên đóng trại ở bờ bắc để huấn luyện quân. Ông ta dùng xích sắt nối thuyền lớn lại theo lối của kị binh Liên Hoàn Mã, gọi đó là "Liên Hoàn Thuyền". Hoàng Cái giả đầu hàng Tào Tháo, và vào một đêm có gió đông nam, quân Ngô dùng hỏa công đánh trại của Tào Tháo, quân Tào thua to bỏ chạy. Do bị liên quân của Tôn Quyền và Lưu Bị đuổi, Tào Tháo cho Tào Nhân giữ Nam Quận, rồi rút về phương bắc. Trận Xích Bích đưa tên tuổi Chu Du nổi lên, và được liệt vào hàng những tướng giỏi của lịch sử Trung Quốc.

Chết trẻ

Chu Du tiến đánh Nam Quận, trong lúc đánh thành thì bị tên bắn trọng thương. Tào Nhân nghe tin thì kéo ra khỏi thành đánh, nhưng Chu Du dù bị thương vẫn huy động quân sĩ đánh bại Tào Nhân. Nhưng mũi tên có độc, vết thương của Chu Du không thể chữa khỏi, đến năm 210 thì chết, khi đó 36 tuổi. Người kế tục ông làm quân sư cho Tôn Quyền là Lỗ Túc.
Chu Du là người yêu âm nhạc, lễ phép khiêm tốn, nhưng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông bị mô tả như một đứa trẻ ngô nghê và nóng tính, bị Gia Cát Lượng chọc tức 3 lần đến chết. Nhà văn còn viết một câu khá nổi tiếng rằng trước khi chết Chu Du phẫn uất mà than: "Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng?". Trong bộ "Tướng Soái Trung Quốc Toàn Truyện" của các tác giả Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Tuyết và Dương Hiệu Xuân có ghi: "đó là lời lẽ của nhà văn, hoàn toàn không đáng tin". La Quán Trung là người "trù dập các tướng lĩnh Ngô, Ngụy và biến các tướng Thục thành thần, nếu các tướng Thục giỏi như vậy, sao cứ thua mãi?".
Chu Du có công cực lớn trong việc giúp nhà họ Tôn lập nên Đông Ngô, là khai quốc đại công thần.

Phim ảnh

Chu Du do Lương Triều Vỹ đóng, người trên cùng bên trái
Nhân vật Chu Du trong phim Đại chiến Xích Bích do diễn viên Lương Triều Vỹ thể hiện.

Nhắc đến trong thơ

Chu Du là nhân vật tài hoa, có cá tính đậm nên thường được các thi nhân đời sau nhắc lại, tên của ông hay gắn với trận đại chiến Xích Bích:
  • Đỗ Mục trong bài "Xích Bích hoài cổ" có 2 câu nổi
Đông phong bất dữ Chu Lang tiện
Đồng Tước xuân thâm toả nhị kiều
Nghĩa: Gió đông không giúp Chu Lang thì đài Đồng Tước khoá xuân hai cô Kiều.
  • Tô Thức thời Tống, trong bài từ nổi tiếng điệu Niệm nô kiều có nhắc đến Chu Du:
Đại giang đông khứ,
Lãng đào tận thiên cổ phong lưu nhân vật.
Cổ luỹ tây biên,
Nhân đạo thị Tam Quốc Chu Du Xích Bích
Nghĩa: Sông lớn chảy về Đông, cuốn đi hết thảy nhân vật phong lưu ngàn thuở, thành lớn ở phía Tây người bảo đó là Tam Quốc, Chu Du, Xích Bích.
  • Tản Đà trong bài hát nói "Hỏi gió" cũng nói về Chu Lang với giọng ngông cuồng:
Thử thị Đà Giang, phi Xích Bích
Dã vô Gia Cát dữ Chu Lang!
Nghĩa: Đây là sông Đà, không phải Xích Bích, không có Gia Cát với Chu Lang.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét