Blogroll

Tìm hiểu thời kỳ Tam Quốc (3) Chia ba thiên hạ



Đầu năm 220, Tào Tháo chết, tháng mười năm đó con ông là Tào Phi phế bỏ vua Hiến Đế giành ngôi, tức là Ngụy Văn đế, chấm dứt nhà Hán. Tào Phi đặt quốc hiệu là Ngụy và lên ngôi tại Lạc Dương, Tào Tháo được truy tôn là "Thái Tổ Vũ Hoàng Đế".
Năm 221, Lưu Bị xưng là vua nhà Hán, nhằm mục đích khôi phục nhà Hán. (Quốc gia này trong sử sách gọi là "Thục" hay "Thục-Hán".) Trong năm đó, Ngụy ban cho Tôn Quyền tước hiệu Ngô vương. Một năm sau, do việc Tôn Quyền bắt giết tướng Thục Hán là Quan Vũ, quân đội Thục Hán tuyên bố chiến tranh với Ngô và giao tranh với quân Ngô tại trận Di Lăng. Tại Hào Đình, Lưu Bị bị tướng của Tôn Quyền là Lục Tốn đánh bại và phải lui quân về Thục, sau đó mất năm 222 tại thành Bạch Đế. Sau cái chết của Lưu Bị, Thục và Ngô hồi phục hòa bình để chống Ngụy, tạo nên sự ổn định của trục ba quốc gia. Năm 229, Tôn Quyền từ chối công nhận nhà Ngụy của Tào Phi và lên ngôi hoàng đế tại Vũ Xương.
Phần lớn miền bắc hoàn toàn thuộc nhà Ngụy, trong khi đó Thục chiếm miền tây nam và Ngô chiếm miền trung tâm phía nam và phía đông. Biên giới phía ngoài của ba quốc gia này bị giới hạn bởi ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa. Ví dụ, kiểm soát về chính trị của nhà Thục trên biên giới phía nam của mình bị giới hạn bởi các bộ lạc người Thái trong tỉnh Vân Nam và Myanma ngày nay, nhà Ngô không thể vươn tới mà phải tồn tại cùng nước Lâm Ấp (của người Chăm).

Củng cố

Năm 222, con Lưu Bị là Lưu Thiện lên ngôi kế nghiệp cha. Thất bại của Lưu Bị tại Hào Đình kết thúc thời kỳ thù địch giữa Ngô và Thục và cả hai tận dụng cơ hội này để tập trung vào những vấn đề trong nước cũng như để đối phó với nhà Ngụy. Đối với Tôn Quyền, chiến thắng này cũng kết thúc sự e ngại của ông về việc nhà Thục mở rộng về phía Kinh Châu và ông có thể nhòm ngó tới các bộ tộc thiểu số ở phía đông nam, là những bộ tộc mà người Hán gọi chung là "Sơn Việt" (xem thêm người Việt (tiếng Hoa) và Việt (tiếng Hoa) (越, 粵, 鉞)). Năm 234 ông ta đã đè bẹp các bộ lạc nổi dậy. Trong năm này, mười vạn quân Sơn Việt phải đầu hàng Gia Cát Cẩn sau ba năm bị bao vây ở Đan Dương (丹陽). Trong số này, bốn vạn người Man Di đã bị bắt đi lính cho nhà Ngô. Trong khi đó nhà Thục cũng gặp sự chống cự của bộ tộc bản xứ ở phía nam. Bộ tộc Di (彝族) ở phía tây nam đã nổi dậy chống nhà Hán, chiếm giữ Ích Châu. Gia Cát Lượng, để tránh thế hai đầu đối địch, đã dẫn ba cánh quân tiến đánh bộ tộc Di. Quân đội của ông đã đánh một số trận với vua người Man là Mạnh Hoạch, cuối cùng Mạnh Hoạch đã phải đầu hàng. Những người thổ dân (theo cách gọi của người Hán) được phép cư trú tại kinh đô nhà Thục ở Thành Đô như những công dân chính thức và người Di cũng phải đi lính cho nhà Thục.

Gia Cát Lượng tấn công miền bắc

Vào cuối cuộc chinh chiến miền nam của Gia Cát Lượng, liên minh Thục-Ngô đang hưng thịnh và nhà Thục Hán có thể đem quân lên phía bắc. Năm 227 Gia Cát Lượng đem quân đến Hán Trung, mở đầu cho những trận đánh với nhà Ngụy ở phía tây bắc (Xem Gia Cát Bắc phạt). Năm sau, ông cho tướng Triệu Vân (趙雲), hay Tử Long (子龍), tấn công từ Tà Cốc để nghi binh trong khi tự mình dẫn quân đến Kỳ Sơn. Quân tiên phong của Mã Tốc tuy nhiên đã bị đánh bại tại Nhai Đình và quân Thục phải rút lui. Trong sáu năm tiếp theo Gia Cát Lượng đã vài lần đem quân tiến ra bắc Kỳ Sơn nhưng sự hạn chế về lương thảo, lại do đô đốc nhà Ngụy lúc đó là Tư Mã Ý phòng thủ nên ông đã không thành công. Năm 234 ông đem quân lần cuối tấn công ra bắc, đánh với quân Ngụy tại Vị Nam ở phía nam sông Vị Thủy. Vì cái chết đột ngột của ông, quân Thục lại phải rút lui.

Ngô và sự phát triển xuống miền nam

Trong thời gian những cuộc đánh lớn của Gia Cát Lượng ra miền bắc thì nhà Ngô luôn luôn phải đề phòng chống lại sự xâm lấn của nhà Ngụy. Khu vực quanh Hợp Phì thường xuyên dưới áp lực của Ngụy kể từ sau trận Xích Bích và là chiến trường cho những trận giao tranh cỡ nhỏ hơn. Do lo sợ chiến tranh nhiều người dân đã phải di cư tới miền nam sông Dương Tử. Sau cái chết của Gia Cát Lượng, những cuộc tấn công vào khu vực Hoài Nam đã tăng lên nhưng không có kết quả gì, nhà Ngụy không thể phá vỡ phòng tuyến của quân Ngô trên sông, kể cả pháo đài Nhu Tu (濡鬚, Xuru).
Thời gian cai trị kéo dài của Tôn Quyền là khoảng thời gian sung túc nhất của quốc gia này. Việc di dân từ phía bắc và "giải quyết xong" các bộ lạc thiểu số Man Di đã làm tăng nhân lực cho nông nghiệp, đặc biệt là ở hạ lưu sông Dương Tử. Vận tải đường sông phát triển, với sự ra đời của các kênh Chiết Đông và Giang Nam. Thương mại với Thục phát triển, với một sự lưu thông lớn của bông từ Thục và sự phát triển của đồ tráng men và công nghệ luyện kim. Vận tải biển đã được hoàn thiện hơn để có thể đến được Mãn Châu và đảo Đài Loan. Về phía nam, các thương nhân Ngô đã đến Luy Lâu và Phù Nam). Với sự phát triển của kinh tế thì văn hóa, nghệ thuật cũng phát triển theo. Tại đồng bằng sông Dương Tử, những ảnh hưởng đầu tiên của Phật giáo đã xuất hiện ở phía nam Lạc Dương.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét