Blogroll

Vương Chiêu Quân

Chiêu Quân (chữ Hán: 昭君, bính âm: zhào jun) là một trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Với sắc đẹp được ví là "lạc nhạn" (làm cho chim sa), câu chuyện về nàng trở thành một đề tài sáng tác phổ biển của thi ca, nghệ thuật. Chiêu Quân đi vào lịch sử Trung Quốc như một người đẹp hòa bình. Sự quên mình của nàng góp phần mang lại hòa bình trong 60 năm giữa nhà Hán và Hung Nô[1].


Nàng là một trong Hai đại mỹ nhân của triều đại nhà Hán cùng với một mỹ nhân khác tên Triệu Phi Yến, xuất hiện không lâu sau đó sau khi nàng đến Hung Nô, dưới thời Hán Thành Đế.

Tiểu sử

Chiêu Quân tên là Vương Tường (王牆), nên cũng được gọi là Vương Chiêu Quân (王昭君). Nàng là con gái của một gia đình thường dân ở Tỉ Quy (秭归), Nam Quận (南郡), nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Được tuyển vào nội cung vào khoảng sau năm 40 TCN, đời vua Hán Nguyên Đế (49 TCN-33 TCN). Trong thời gian ở hậu cung, Chiêu Quân chưa bao giờ được gặp mặt vua và vẫn chỉ là một cung nữ (宮女). Năm 33 TCN, thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà (呼韓邪) đến kinh đô Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán, một phần trong hệ thống triều cống giữa nhà Hán và Hung Nô. Ông này nắm lấy cơ hội để đề nghị được trở thành con rể của vua Nguyên Đế. Thay vì gả cưới một công chúa cho thiền vu thì Hô Hàn Tà đã được ban cho 5 cung nữ từ hậu cung, một trong số này là Vương Chiêu Quân.
Theo một câu chuyện trong Hậu Hán Thư (quyển 89, Nam Hung Nô liệt truyện) thì Vương Chiêu Quân đã tình nguyện theo thiền vu này. Khi được vời đến triều đình thì vẻ đẹp của Chiêu Quân đã làm cho Nguyên Đế sững sờ và muốn thay đổi quyết định của chính mình.
Chiêu Quân trở thành người vợ được yêu quý của Hô Hàn Tà, được phong là Ninh Hồ Yên Chi (宁胡阏氏)[2]. Họ sinh được hai người con trai, chỉ một trong số đó sống sót với tên gọi là Y Chư Trí Nha Sư (伊屠智牙師) và một người con gái, tên là Vân (雲), sau này là một nhân vật đầy quyền lực trong hệ thống chính trị của Hung Nô. Năm 31 TCN, Hô Hàn Tà chết, Chiêu Quân muốn trở về Trung Quốc, nhưng Hán Thành Đế đã buộc nàng phải theo tập quán nối dây của người Hung Nô và Chiêu Quân trở thành vợ của thiền vu tiếp theo là Phục Chu Luy Nhược Đề (復株累若鞮)- con trai lớn của Hô Hàn Tà. Trong cuộc hôn nhân mới này nàng có hai người con gái. Sau khi chết, Chiêu Quân được táng tại "Thanh Trủng", mộ hiện nay vẫn còn tại phía nam thành Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông Cổ.
Hòa bình giữa nhà Hán và Hung Nô đã được kéo dài trên 60 năm, tuy nhiên, sau này người ta đã không còn biết gì về các hậu duệ của Chiêu Quân.
Kể từ thế kỉ 3 trở đi thì câu chuyện về Chiêu Quân đã được phóng tác nên như là hình tượng của một nhân vật nữ đầy bi thương trong nhiều tác phẩm thơ ca hay kịch, chẳng hạn như của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương An Thạch, Quách Mậu Thiến, Mã Trí Viễn, Tào Ngu, Quách Mạt Nhược, Tiễn Bá Tán,…

Trong truyền thuyết

Chiêu Quân Cống Hồ

Thanh Trủng tại Nội Mông Cổ
Câu chuyện về Chiêu Quân được gọi Chiêu Quân Cống Hồ trở thành một điển tích. Tồn tại nhiều dị bản, trong đó có nhiều chi tiết còn mâu thuẫn. Nổi tiếng hơn cả là bản kể theo những tài tiệu của nhà sử học Ngô Quân (469-520).
Vì số cung phi trong hậu cung của vua Nguyên Đế quá đông, nên nhà vua ra lệnh cho các họa sĩ phải vẽ hình các cung phi để nhà vua chọn. Các cung phi thường lo lót tiền cho họa sĩ để được vẽ cho đẹp, mong vua để ý tới. Chiêu Quân từ chối đút lót cho họa sĩ là Mao Diên Thọ, hậu quả bức chân dung nàng thật xấu xí nên nàng không được Hán Nguyên Đế để mắt tới.
Một hôm Hoàng hậu Vương Chính Quân tình cờ biết tới Chiêu Quân qua tiếng đàn lâm li ai oán của nàng. Bà đưa Chiêu Quân tới gặp Hán Nguyên Đế. Hán Nguyên Đế ngỡ ngàng vì sắc đẹp của nàng, phong Chiêu Quân làm Tây phi. Mao Diên Thọ bị khiển trách nặng nề.
Thời bấy giờ Hung Nô là nước lân bang thường xuyên mang quân sang quấy nhiễu. Mao Diên Thọ bị Hán Nguyên Đế quở trách, đem lòng oán hận Chiêu Quân, lấy chân dung Chiêu Quân nạp cho thiền vu (vua) Hung Nô là Hô Hàn Da (呼韓邪). Vua Hung Nô say đắm sắc đẹp của nàng, cất quân sang đánh, buộc Hán Nguyên Đế phải cống nạp Chiêu Quân thì mới bãi binh. Hán Nguyên Đế đành phải đem Chiêu Quân sang cho Hung Nô. Điểm này không khớp với lịch sử Hung Nô, do từ thời Hô Hàn Da thì các thiền vu đã chịu nộp cống phẩm cho nhà Hán.
Truyền thuyết "Chiêu quân xuất tái" (昭君出塞, "Đi đến biên cương") nói rằng, khi Chiêu Quân đi ngang một hoang mạc lớn, lòng nàng chan chứa nỗi buồn vận mệnh cũng như lìa xa quê hương. Nhân lúc ngồi lưng ngựa buồn u uất, liền đàn "Xuất tái khúc". Có một con ngỗng trời bay ngang, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn và sa xuống đất. Từ "lạc nhạn" trong câu "Trầm ngư lạc nhạn" do đó mà có.
Khi qua Nhạn Môn Quan, cửa ải cuối cùng, Chiêu Quân được cho là đã cảm tác nhiều bài thơ rất cảm động. Tiếng đàn của Chiêu Quân ở Nhạn Môn Quan trở thành điển tích Hồ Cầm.
Ngôi làng quê hương của nàng ngày nay mang tên là làng Chiêu Quân. Dòng suối, nơi tương truyền nàng từng ra giặt vải trước khi được tuyển vào hoàng cung, được đặt tên là Hương Khê (suối thơm) để tưởng nhớ nàng. Trong miền Nội Mông Cổ có hai địa điểm được cho là mộ của Chiêu Quân, một gần Hohhot và một gần Bao Đầu, cả hai đều xanh ngắt cỏ tươi, nên đều được gọi là Thanh Trủng (mồ xanh).

Những chi tiết còn mâu thuẫn

  • Nhắc đến Vương Chiêu Quân, hẳn rất nhiều người biết đó là một trong “tứ đại mỹ nhân” của Trung Hoa cổ đại. Nhưng tại một làng quê nhỏ vùng đồng bằng Bắc bộ (làng Diêm Tỉnh, xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Việt Nam) cũng có một Vương Chiêu Quân mà đền thờ còn hiển hiện và thần tích còn ghi rõ.
  • Khi vẽ Chiêu Quân, có thuyết cho rằng Mao Diên Thọ đã vẽ thêm một nốt ruồi dưới khóe mắt và tâu với Hán Nguyên Đế đó là "Sát phu trích lệ", tướng sát chồng. Vì vậy Hán Nguyên Đế không cho vời nàng tới tận khi Chiêu Quân bị cống sang Hung Nô. Một thuyết khác thì Chiêu Quân tài hoa tự vẽ chân dung của mình, nhưng bức tranh đó bị Mao Diện Thọ điểm thêm nốt ruồi "Sát phu trích lệ".
  • Nhà văn nổi tiếng Thái Ung (132-192) cho rằng vua Nguyên Đế đã từng gặp Chiêu Quân, nhưng không biết cảm nhận vẻ đẹp của nàng. Chiêu Quân vô cùng thất vọng và đau khổ sau nhiều năm sống cô độc trong cung cấm. Từ đó, Thái Ung kết luận rằng quyết định sang Hung Nô của Chiêu Quân là một hành động phản kháng lại vua Nguyên Đế.
  • Về cái chết của Chiêu Quân cũng có nhiều giả thuyết.
  1. Đến Nhạn Môn Quan, Chiêu Quân gieo mình xuống sông tự vẫn.
  2. Chiêu Quân đến đất Hồ, nàng yêu cầu vua Hồ giết chết gian thần Mao Diên Thọ, rồi sau đó nàng tìm cách tự tử, nhảy xuống sông để xác nàng theo dòng trôi trở về đất Trung Nguyên.
  3. Một thuyết khác cho rằng Chiêu Quân đã sống một thời gian dài bên Hung Nô.

Chiêu Quân trong thi ca, nghệ thuật

Thi ca

Những tác phẩm thơ ca viết về Chiêu Quân xuất hiện vào khoảng từ đầu thế kỷ 7 đến cuối thế kỷ 13, thường dựa trên những dị bản của Ngô Quân. Đa số đều nói về sự ra đi cùng nỗi oán hận của nàng. Chiêu Quân thường xuất hiện với một vẻ đẹp u buồn, choàng khăn đỏ, mặc áo lông, ôm đàn tỳ bà, cùng với một con bạch mã.
Nhà thơ Lý Bạch viết hai bài thơ về Chiêu Quân
Vương Chiêu Quân 1
 
Hán gia Tần địa nguyệt,
Lưu ảnh chiếu Minh Phi.
Nhất thướng Ngọc Quan đạo,
Thiên nhai khứ bất quy.
Hán nguyệt hoàn tòng Đông hải xuất,
Minh Phi tây giá vô lai nhật.
Yên Chi trường hàn tuyết tác hoa,
Nga my tiều tụy một Hồ sa.
Sinh phạp hoàng kim uổng đồ họa,
Tử lưu thanh trủng sử nhân ta.
Trúc Khê dịch
 
Xứ Tần trăng sáng tỏ,
Dõi bóng chiếu Minh Phi.
Một lên đường ải Ngọc,
Bên trời biền biệt đi.
Trăng Hán vẫn mọc ngoài Đông Hải,
Minh Phi sang Hồ không trở lại.
Lạnh lùng hoa tuyết núi Yên Chi,
Cát bụi bay mù ngập thúy mi.
Sống thiếu cân vàng tranh vẽ nhọ,
Chết phơi nấm đất cỏ xanh rì.
Vương Chiêu Quân 2
Chiêu Quân phất ngọc an
Thướng mã đề hồng giáp
Kim nhật Hán cung nhân
Minh triêu Hồ địa thiếp.
Đỗ Phủ cũng để lại những bình phẩm sâu sắc qua bài Vịnh hoài cổ tích
Vịnh hoài cổ tích
Nghìn non vạn suối tới Kinh Môn
Quê quán Minh Phi vẫn hãy còn
Đài tía bước ra nơi sóc mạc
Nấm mồ gửi lại bóng hoàng hôn
Vẻ xuân tranh cổ phôi pha nét
Gót ngọc đêm trăng phảng phất hồn
Đàn phổ tiếng Hồ muôn thuở đó
Tỳ bà oán hận mạch sầu tuôn.
Nhà cải cách Vương An Thạch đã viết hai bài thơ về Chiêu Quân, đưa ra những cách nhìn nhận khá độc đáo. Một trong hai bài đó:
Từ ấy nàng xa chốn Hán cung
Tóc mai gió thổi lệ xuân nồng
Dung nhan nhìn lại bơ phờ quá
Thiên tử muôn trùng luống khổ tâm!
Oán trách nhầm tay họa sĩ hèn
Sắc đẹp xưa nay chẳng thấy quen
Thần thái trời sinh ai vẽ nổi?
Mao Diên Thọ chết vẫn còn oan.
Một đi đi mãi, đáng thương thay!
Áo Hán cung xưa vẫn mặc dày
Phương nam thư gửi về quan ải
Chỉ thấy năm dài cánh nhạn bay.
Người nhà muôn dặm nhắn tin cùng
Ở lại chiên thành chớ ngóng trông
A Kiều khóa chặt Trường Môn đó
Nam bắc nào ai được thỏa lòng?
Một vài bài thơ khác
Chiêu Quân Từ của Bạch Cư Dị
 
Hán sứ khướt hồi bằng kí ngữ
Hoàng kim hà nhật thục Nga Mi
Quân vương nhược vấn thiếp nhan sắc
Mạc đạo bất như cung lỉ thì
Vương Chiêu Quân của Thôi Quốc Phụ
 
Nhất hồi vọng nguyệt nhất hồi bi
Vọng nguyệt nguyệt di nhân bất di
Hà thì đắc kiến Hán triều sứ
Vị thiếp truyền thư trảm họa sư.
Chiêu Quân của Quang Dũng
Tuyết lạnh che mờ trời Hán Quốc
Tì bà lanh lảnh buốt cung Thương
Tang tình năm ngón sầu dâng lệ
Chiêu Quân sang Hồ xừ hồ xang
Đây Nhạn Môn Quan đường ải vắng
Trường Thành xa lắm Hán Vương ơi!
Chiêu Quân che khép mền chiên bạch
Gió bấc trời Phiên thấm lạnh rồi
Ngó lại xanh xanh triều Hán Đế
Từng hàng châu lệ thấm chiên nhung
Quân vương chắc cũng say và khóc
Ái khanh! Ái khanh! Lời nghẹn ngùng
Hồ xang hồ xang xự hồ xang
Chiêu Quân nàng ơi lệ dâng hàng
Lã chã trời Phiên mưa tuyết xuống
Chiêu Quân sang Hồ, xừ hồ xang.
Tế Chiêu Quân của Tản Đà
Tản Đà chú thích: Bài này khi tôi ở chơi chùa Non Tiên, làm bằng chữ Nho để tế nàng Chiêu Quân giữa đêm hôm 13 tháng 3 năm Duy Tân thứ 7. Sau về đến Nam Định, quan huyện Nẻ (Nễ Xuyên Nguyễn Thiện Kế) mới dịch ra Nôm cho
Cô ơi, cô đẹp nhất đời
Mà cô mệng bạc, thợ trời cũng thua
Một đi, từ biệt cung vua
Có về đâu nữa, đất Hồ nghìn năm!
Mả xanh còn dấu còn căm,
Suối vàng lạnh lẽo cô nằm với ai?
Má hồng để tiếc cho ai,
Đời người như thế có hoài mất không!
Khóc than nước mắt ròng ròng
Xương không còn vết, giận không có kì.
Mây mờ trăng bạc chi chi
Hôi tanh thôi có mong gì khói nhang,
Ới hồng nhan, hỡi hồng nhan!
Khôn thiêng cũng chẳng ai van ai mời.
Trời Nam thằng kiết là tôi.
Chùa Tiên đất khách khóc người bên Ngô.
Cô với tôi, tôi với cô,
Trước sân lễ bạc có mồ nào đây.
Hồn cô có ở đâu đây,
Đem nhau đi với lên mây cũng đành.

Sân khấu

Từ thế kỷ 13 đã xuất hiện nhiều tác phẩm kịch nghệ về Chiêu Quân. Kịch tác gia nổi tiếng Mã Trí Viễn (1252-1321) dẫn đầu với vở kịch Hán Cung Thu, tập trung vào chủ đề bảo vệ đất nước. Khi người Hung Nô đe dọa biên cương nhà Hán, triều đình, đứng đầu là vua Nguyên Đế, không tìm được một phương sách hiệu quả nào. Chiêu Quân được miêu tả như một người phụ nữ thông minh tuyệt đỉnh, luôn hết lòng vì hòa bình và sự bảo tồn giang sơn nhà Hán. Nàng hoàn toàn tương phản với vị hoàng đế kém cỏi và hèn nhát, viên thừa tướng thối nát bất tài, và tên thợ vẽ tư lợi Mao Diên Thọ. Tiếc thay, vở kịch có chỗ còn chưa đạt. Hai phần ba nội dung của kịch được dành để nói về chuyện tình giữa hoàng đế và người cung phi, làm giảm đi hình ảnh anh hùng của Chiêu Quân.
Vào thời hiện đại, học giả Quách Mạt Nhược (1892-1978) đã sáng tác một vở kịch mang tên Vương Chiêu Quân, miêu tả bi kịch của Chiêu Quân như là hậu quả của mâu thuẫn giữa tinh thần dũng cảm và khao khát tự do của nàng và những âm mưu đen tối của Nguyên Đế và Mao Diên Thọ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét