Blogroll

Lục Tốn

Lục Tốn (chữ Hán: 陸遜; 183-245) là 1 tướng lĩnh quân sự và chính trị gia của nhà Đông Ngô sống vào cuối đời Hán, đầu đời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông nổi tiếng qua trận Di Lăng vào năm 222 đánh bại quân Thục Hán của Lưu Bị khiến ông trở thành 1 trong những nhà quân sự nổi tiếng nhất trong thời Tam Quốc.


Thân thế

Lục Tốn còn có tên là Nghị, tên tự là Bá Ngôn, người Ngô Quận[1] thuộc Dương châu.
Lục Tốn sinh ra trong gia đình vọng tộc ở Giang Đông. Họ Lục là một trong 4 họ lớn ở Ngô Quận. Cha Lục Tốn là Lục Tuấn từng làm Đô úy quận Cửu Giang thời Đông Hán. Ông chú Lục Tốn là Lục Khang làm thái thú Lư Giang thuộc Dương châu dưới quyền Thứ sử Lưu Do.

Thời trẻ

Thời niên thiếu của Lục Tốn, chiến tranh quân phiệt nổ ra giữa các chư hầu nổ ra ngày càng ác liệt. Năm 193, Viên Thuật chạy từ Nam Dương về Thọ Xuân thuộc Dương châu. Vì thiếu lương nên Viên Thuật hỏi vay Lục Khang. Lục Khang coi Viên Thuật là quân phản nghịch chống nhà Hán nên không đáp ứng. Viên Thuật tức giận bèn sai Tôn Sách mang quân đánh Lư Giang.
Giao tranh kéo dài. Lục Khang khi đó đã 70 tuổi, không giữ được thành, cuối cùng thành Lư Giang bị Tôn Sách phá. Lục Khang và gia tộc không bị giết nhưng hơn 1 tháng sau thì phát bệnh qua đời. Gia tộc họ Lục hơn 100 người gặp cảnh đói khát, bị chết hơn một nửa[2]. Lục Tốn trong số những người còn sống sót.

Làm tướng Giang Đông

Sau đó Tôn Sách đánh chiếm phần lớn Dương châu, ly khai khỏi Viên Thuật, hình thành lực lượng quân phiệt cát cứ tại Giang Đông. Năm 200, Tôn Sách chết, em là Tôn Quyền lên thay.
Tôn Quyền rất muốn tranh thủ các gia tộc lớn ở Giang Đông, bèn cho con em các dòng họ lớn được làm quan. Lục Tốn ở trong số đó. Ông được cử làm Đồn điền đô úy ở huyện Hải Xương[3] kiêm công việc hành chính trong huyện. Huyện này vốn nhiều năm bị đói kém, từ khi Lục Tốn đến đã mở kho phát chẩn cho dân nghèo, khuyến khích việc nông trang, từ đó cuộc sống nhân dân được ổn định.
Thấy Lục Tốn có tài, để tranh thủ sự ủng hộ của ông, xóa đi thù hằn trước đây, Tôn Quyền mang con gái Tôn Sách gả cho ông[4]. Khi được hỏi kế sách dựng nước, Lục Tốn phân tích tình hình đương thời và khuyên Tôn Quyền chưa vội tranh hùng thiên hạ mà hãy củng cố Giang Đông, giải quyết vấn đề các dân tộc thiểu số vùng Sơn Việt trước.
Tôn Quyền tán thưởng ý kiến của ông, bèn cử ông mang quân đi bình định vùng Sơn Việt. Lục Tốn mang quân tới vùng Sơn Việt, buộc người Sơn Việt rời núi non hiểm trở xuống đồng bằng ở lẫn với người Hán, có thêm sức lao động sản xuất. Ông lấy đàn ông sung quân, người già yếu thì đưa vào sổ hộ tịch.
Thái thú Cối Kê là Thuần Vu Thức tố cáo Lục Tốn vơ vét của cải trong dân, gây mất ổn định địa phương. Lục Tốn không để bụng, sau này vẫn khen ngợi Thuần Vu Thức. Tôn Quyền ngạc nhiên hỏi vì sao ông không thù hằn Thuần Vu Thức, Lục Tốn đáp rằng việc Thuần Vu Thức tố cáo ông là vì dân mà làm.

Tham chiến đoạt Kinh châu

Việc giành lấy Kinh châu nằm trong chiến lược dựng nước của Tôn Quyền. Tranh chấp Kinh châu khiến mâu thuẫn giữa Tôn Quyền và Lưu Bị nảy sinh và nổ ra ngày càng gay gắt.
Năm 219, nhân lúc tướng trấn thủ Kinh châu của Lưu Bị là Quan Vũ lên phía bắc đánh Tương Dương – Phàn Thành của Tào Tháo, đại tướng Lã Mông của Tôn Quyền bàn kế đánh úp Kinh châu. Để làm Quan Vũ mất cảnh giác, Lã Mông giả ốm và đề nghị Tôn Quyền cho Lục Tốn thay chức. Lục Tốn chưa có tiếng tăm trên chiến trường, ra trấn thủ Lục Khẩu[5] nên Quan Vũ rất coi thường, dốc toàn quân đánh Tào Nhân ở Tương Dương.
Lã Mông giả ốm trở về Kiến Nghiệp, khi đi qua Vu Hồ gặp Lục Tốn. Qua lần trò chuyện, Lã Mông nhận thấy Lục Tốn có tài, khi về đến Kiến Nghiệp bèn chính thức tiến cử ông với Tôn Quyền, đề nghị cho ông kế tục mình, cho rằng ông là người thích hợp nhất.
Nghe theo kế của Lã Mông từ Kiến Nghiệp[6], vừa tới Lục Khẩu, Lục Tốn bèn viết thư cho Quan Vũ, tỏ ra hết sức khiêm nhường và ca ngợi Quan Vũ, tâng bốc hơn cả Hàn Tín. Mặt khác, ông lại lung lạc Quan Vũ thêm một bước nữa: ra sức nhắc nhở Quan Vũ cảnh giác với sức mạnh binh lực của Tào Tháo phía bắc. Quan Vũ tin theo lời thư của Lục Tốn, càng chú trọng tới Tào Nhân, bèn điều thêm quân Kinh châu sang mặt trận Phàn Thành.
Nghe tin quân Kinh châu được điều thêm lên phía bắc, Lục Tốn lập tức báo cho Tôn Quyền. Tôn Quyền bèn sai Lã Mông mang quân đánh úp Kinh châu. Hai bộ tướng của Quan Vũ là My Phương và Phó Sĩ Nhân đầu hàng dâng thành.
Cùng lúc, Lục Tốn ra quân từ Lục Khẩu, tấn công Nghi Đô. Thái thú Nghi Đô là Phàn Hữu bỏ thành chạy. Ông tiếp tục đánh sang Phòng Lăng, thái thú Đặng Phụ mang quân ra chống cự bị đánh tan. Lục Tốn đánh giết và chiêu hàng quân Thục hàng vạn người[7]. Ông tiến lên chiếm giữ luôn Tỷ Quy và Di Đạo, đóng quân ở Di Lăng và canh giữ Giáp Khẩu để đề phòng quân Lưu Bị từ Tây Xuyên ra cứu. Quan Vũ bị quân Tào của Từ Hoảng đánh mặt trước, chạy về không còn đường thoát, cuối cùng bị quân Đông Ngô bắt giết.
Phần lớn Kinh châu thuộc về Đông Ngô.

Đại chiến Di Lăng

Bài chi tiết: Trận Di Lăng
Sau khi Kinh Châu thất thủ và Quan Vũ bị giết, Lưu Bị đã vô cùng oán hận Đông Ngô. Cuối năm 220, Tào Phi ép Hán Hiến Đế nhường ngôi, xưng đế và kiến lập nhà Tào Ngụy, sau đó không lâu Lưu Bị cũng lên ngôi ở Thành Đô kiến lập Thục Hán là sự kế thừa của nhà Hán. Lưu Bị đã phát chiếu lệnh phạt Ngô, bỏ ngoài tai mọi sự can ngăn của các đại thần nước Thục. Ông đích thân ngự giá thân chinh, thống lĩnh 70 vạn quân Thục đông chinh cùng với sự trợ giúp của Man Vương Ma Sa Kha tấn công Đông Ngô để chiếm lại Kinh Châu và trả thù cho Quan Vũ. Quân Ngô liên tiếp thất bại trước sự tấn công của quân Thục, Tôn Quyền quyết định bái Lục Tốn làm Đại đô đốc, chỉ huy quân Ngô chống lại quân Thục.
Lục Tốn đã thiết lập rất nhiều doanh trại và chiến lũy trên đường tiến quân của quân Thục chứ không trực tiếp giao chiến với quân Thục. Tuy chiến lược này sẽ khiến nước Ngô mất đi khá nhiều đất đai, nhưng ông lại có đủ thời giời để chuẩn bị lại lực lượng sau những thất bại liên tiếp. Những chốt phòng ngự trọng điểm cũng được lập ra nhằm làm chậm quá trình tiến quân của quân Thục cũng như gây khó khăn cho việc vận chuyển quân nhu của kẻ địch.
Chỉ số ít tướng lĩnh nước Ngô hài lòng với việc Lục Tốn được bổ nhiệm vào vị trí Đại đô đốc, đa phần trong số họ đều là những lão tướng thân trải trăm trận và đã phục vụ cho Tôn thị từ thời Tôn Kiên trong khi Lục Tốn chỉ là 1 tướng trẻ tuổi và không mấy danh tiếng (trong khi Lữ Mông lại giành được nhiều sự tin tưởng vì chiếm được Kinh Châu). Các lão tướng đều muốn giao chiến trực diện với quân Thục khi kẻ địch đang suy giảm sỹ khí từ những cuộc tiến công liên tiếp. Lục Tốn đã không nghe theo vì ông lo ngại rằng việc quân Thục suy giảm sỹ khi chỉ là kế dụ địch của Lưu Bị mục đích nhằm dụ quân Ngô ra giao chiến, bộ kỵ của quân Thục vượt trội so với quân Ngô nên giao chiến trực diện là quá mạo hiểm. Lưu Bị đã cho quân đến khêu chiến nhằm dụ quân Ngô vào bẫy mai phục, nhưng Lục Tốn đã đoán ra được kế hoạch này và ra lệnh cho các tướng phải không được manh động, giữ yên vị trí.
Khi biết tin quân Thục đã có dấu hiệu bị bệnh dịch, sau nhiều tháng kiên thủ, Lục Tốn quyết định đây chính là thời cơ phản công. Đầu tiên, ông cho quân giả vời tấn công vào 1 trong số các doanh trại của quân Thục nhằm đánh lạc hướng các tướng Thục. Kế đến ông lệnh cho quân sỹ dùng hỏa công tấn công vào các trại còn lại. Sau cùng ông ra lệnh tổng tấn công vào doanh trại quân Thục từ 3 hướng khác nhau khiến cho quân Thục đại bại, toàn quân gần như bị tiêu diệt. Lưu Bị phải rút chạy về phía tây và qua đời 1 năm sau đó ở thành Bạch Đế. Lục Tốn nổi danh nhờ vào chiến công đại phá quân Thục và nhận được sự ngưỡng mộ từ các tướng lĩnh và quan lại nước Ngô
Quân Ngô thừa thắng và chuẩn bị mở chiến dịch quân sự tấn công vào biên giới nước Thục. Nhưng Lục Tốn nhận định rằng, khi Ngô Thục giao chiến thì nước Ngụy nhất định sẽ thừa cơ tấn công nước Ngô. Nhận định của ông sau đó đã được kiểm chứng và nó hoàn toàn chính xác.

Các chiến dịch quân sự chống lại Tào Ngụy

Sau khi Lưu Bị qua đời, Thái tử Lưu Thiện lên ngôi tức Hán Hoài Đế, thừa tướng Gia Cát Lượng trở thành phụ chính đại thần. Năm 223, Gia Cát Lượng thiết lập lại Thục-Ngô liên minh nhằm chống lại Tào Ngụy ở phía bắc. Lục Tốn vào thời điểm này đã trở thành trọng thần của Đông Ngô, vị trí của ông trong quân đội nước Ngô cũng rất vững chắc đồng thời ông cũng được bổ nhiệm làm Kinh Châu Mục. Sự tái lập của liên minh giữa Thục và Ngô giúp cho ông có thể dốc toàn tâm toàn ý vào việc đối kháng với nước Ngụy. Trong trận Thạch Đình, Chu Phường, 1 quan viên địa phương đã dùng kế trá hàng dụ đại quân Ngụy do Đại đô đốc Tào Hưu thống lĩnh vào sâu trọng địa giới nước Ngô. Lục Tốn đã an bài phục binh và tiêu diệt gần hết quân Ngụy, số tàn bình còn lại được Giả Hủ mang viện binh đến giải cứu vì Giả Hủ đã đoán trước được đây là kế dụ địch của quân Ngô và hết sức khuyên ngăn Tào Hưu nhưng đều bị từ chối.
Một ngày sau đó, quân Ngô lên kế hoạch chuẩn bị phản công, nhưng một trong nhưng thám báo đáng tin cậy nhất của quân Ngô bị quân Ngụy bắt và kế hoạch tấn công bị lộ. Gia Cát Cẩn, một trong số các tướng chỉ huy của chiến dịch, trở nên hoảng hốt và viết thư cho Lục Tốn để hỏi kế rút lui. Tuy nhiên, Lục Tốn không hồi âm mà lại dành thời gian cho việc chơi cờ và trồng đậu. Gia Cát Cẩn lúng túng chạy đi tìm Lục Tốn để hỏi cho ra lẽ. Lục Tốn giải thích rằng nếu quân ta rút lui ngay lập tức thì quân tâm nhất định sẽ đại loạn và quân Ngụy sẽ thừa cơ truy sát. Thay vào đó, chỉ cần lấy tĩnh chế động, kẻ địch sẽ nghi ngờ quân ta đang có âm mưu khác, tất sẽ chấn chờ không dám manh động; quân ta có thể lặng lẽ rút lui. Như lời ông đã nói, quân Ngụy chần chừ không dám truy sát, quân Ngô rút lui an toàn.

Củng cố Đông Ngô

Năm 229, Tôn Quyền xưng đế. Lục Tốn được phong làm Thượng đại tướng quân ra trấn thủ Vũ Xương và quản lý việc chính trị 3 quận.
Tôn Quyền muốn ra chiếm Di châu (tức đảo Đài Loan), Lục Tốn can không nên vì dân trong nước đã chịu nhiều chiến tranh, nên để toàn quân nghỉ ngơi. Tôn Quyền không nghe, sai tướng Vệ Ôn mang quân ra đánh đảo Đài Loan nhưng thất bại không thu được gì.
Lục Tốn khuyên Tôn Quyền giảm bớt hình phạt, giảm thuế khóa cho dân, phát triển sản xuất nông nghiệp. Ông cho rằng dân là gốc của nước, dân giàu thì nước mạnh, dân nghèo thì nước yếu[8].
Năm 244, thừa tướng Cố Ung qua đời. Tôn Quyền cử Lục Tốn năm đó đã 62 tuổi lên thay. Tuy lĩnh chức Thừa tướng nhưng Lục Tốn vẫn trấn thủ Kinh châu, đóng quân ở Vũ Xương.

Qua đời

Trong triều xảy ra việc tranh chấp ngôi thái tử giữa Tôn Hòa và Tôn Bá. Tôn Quyền không bằng lòng với thái tử Tôn Hòa, muốn phế bỏ lập người khác (cũng không định lập Tôn Bá[9]). Lục Tốn vốn cùng phe với thái tử Hòa, vội dâng thư về triều cực lực khuyên Tôn Quyền không nên bỏ trưởng lập thứ.
Lời lẽ Lục Tốn quá mạnh mẽ khiến Tôn Quyền tức giận, sai sứ đến Vũ Xương nhiều lần trách mắng ông. Sau khi phế bỏ Tôn Hòa, Tôn Quyền cách chức luôn mấy người cháu của Lục Tốn vì cũng có vây cánh với thái tử Hòa. Thái tử thái phó Ngô Sán vì báo tin cho Lục Tốn biết cũng bị hạ ngục.
Lục Tốn buồn rầu và phẫn uất, sinh bệnh. Tháng 2 năm 245, Lục Tốn qua đời, năm đó ông 63 tuổi. Theo sử sách, khi ông mất, gia sản gần như không có gì[10].
Lục Tốn lấy con gái của Tôn Sách và sinh ra Lục Diên và Lục Kháng. Lục Kháng sau này trở thành 1 tướng kiệt xuất của nước Ngô.

Gia đình

Thành viên trong gia đình

  • Vợ: Lục Tốn lấy con gái thứ hai của Tôn Sách (chưa rõ tính danh) và sinh ra 2 con trai.
  • Con trai:
    • Lục Diên (陸延), mất sớm
    • Lục Kháng (陸抗), tướng lĩnh và chính trị gia phục vụ nước Ngô.
  • Cháu trai (đều là con của Lục Kháng):
    • Lục Yến (陸晏)
    • Lục Cảnh (陸景)
    • Lục Huyền (陸玄)
    • Lục Cơ (陸機)
    • Lục Vân (陸雲)
    • Lục Đam (陸耽)

Họ hàng

  • Lục Khải (陸凱), cháu họ
    • Lục Y (陸禕), con trưởng của Lục Khải
    • Lục Dận (陸胤), con thứ của Lục Khải, được Tôn Quyền cử đàn áp khởi nghĩa Bà Triệu ở Việt Nam năm 248.
      • Lục Thức (陸式), con trai của Lục Dận
  • Lục Khang (陸康)
    • Lục Tích (陸績), con út của Lục Khang, một trong Nhị thập tứ hiếu, nhận chức Thái Thú Du Lâm
      • Lục Hoành (陆宏), con cả của Lục Tích, nhận chức Đô Úy ở phía nam Cối Kê
      • Lục Duệ (陆叡), con thứ của Lục Tích
      • Lục Uât Sinh (陆鬱生), con gái của Lục Tích

Chức danh và chức vụ từng nằm giữ

  • Hải Xương Đồn Điền Đô Úy (海昌屯田都尉)
  • Định Uy Hiệu Úy (定威校尉)
  • Hữu Đốc Bộ (右部督) dưới trướng Tôn Quyền
  • Nghi Đô Thái Thú (宜都太守)
  • Phù Biên Tướng Quân (撫邊將軍)
  • Hoa Đình Hầu (華亭侯)
  • Hữu Hộ Quân (右護軍)
  • Trấn Tây Tướng Quân (鎮西將軍)
  • Lũ Hầu (婁侯)
  • Đại Đô Đốc (大都督)
  • Phụ Quốc Tướng Quân (輔國將軍)
  • Kinh Châu Mục (荊州牧)
  • Giang Lăng Hầu (江陵侯)
  • Hoàng Việt (黃鉞)
  • Thượng Đại Tướng Quân (上大將軍)
  • Hữu Đô Hộ (右都護)
  • Thừa Tướng (丞相)
  • Chiêu Hầu (昭侯) - được Tôn Hưu truy phong sau khi Lục Tốn qua đời

Nhận định

Lục Tốn là danh tướng thời Tam Quốc. Nhưng ngoài tài năng quân sự, Lục Tốn lại không có nhiều bản lĩnh chính trị và đã mắc một số sai lầm. Lý giải về cái chết của Lục Tốn, các sử gia nhìn nhận không chỉ từ nguyên nhân tranh chấp ngôi thái tử của Tôn Hòa mà còn vì những lý do khác[11]:
  1. Lục Tốn là dòng dõi danh gia thế phiệt ở Giang Đông, từng có thù oán dòng họ với họ Tôn (sự kiện ông chú Lục Khang bị Tôn Sách hại).
  2. Lục Tốn cầm đại quân ở ngoài Vũ Xương, danh vọng cao xa lấn át cả vua. Trên từ thái tử cũ là Tôn Đăng (mất sớm) và sau là thái tử Tôn Hòa, dưới đến các quan lại, nhiều người muốn đi lại với ông, khiến Tôn Quyền lo lắng.
  3. Hai nguyên nhân trên khiến Tôn Quyền sợ người thay thế mình không khống chế nổi Lục Tốn nên cần phải loại bỏ khi Tôn Quyền còn sống.
  4. Lục Tốn lại là con rể Tôn Sách, mà Tôn Quyền vốn không muốn cho con cháu Tôn Sách phát triển quá mạnh[12].
Các sử gia cho rằng chính Lục Tốn nhầm tưởng chính quyền họ Tôn đã hết nghi kị các dòng họ sĩ tộc như mình nên đã coi như một nhà. Trên thực tế Tôn Quyền chỉ lợi dụng bộ phận sĩ tộc này mà không thực sự tin tưởng họ. Lục Tốn tự cho mình có trách nhiệm với thiên hạ nên can thiệp vào “việc nhà” của Tôn Quyền và điều đó khiến vua Ngô không bằng lòng, dùng làm nguyên cớ để loại trừ ông[13].

Trong Tam Quốc diễn nghĩa

Lục Tốn xuất hiện trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung từ trận Xích Bích nhưng không nổi bật.
Sau đó trong chiến dịch đánh chiếm Kinh châu của Quan Vũ, La Quán Trung mô tả chính ông là người bày mưu cho Lã Mông chứ không phải làm theo lệnh của Lã Mông mà sử sách ghi.
Đến trận Di Lăng, ông vẫn được mô tả là một “thư sinh trẻ tuổi, chưa có tiếng tăm” (tính ra lúc đó Lục Tốn đã 40 tuổi) khiến các tướng ban đầu không phục. Sau khi phá tan đại quân Thục Hán, ông truy kích Lưu Bị và lạc vào Bát trận đồ của Gia Cát Lượng, nhưng được cha vợ Gia Cát Lượng là Hoàng Thừa Ngạn chỉ đường thoát ra. Chỉ từ trận thắng ở Di Lăng tên tuổi Lục Tốn mới được khẳng định.
Kết cục của Lục Tốn ở Đông Ngô không được La Quán Trung nói rõ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét