Blogroll

Lưu Bị

Hán Chiêu Liệt Đế (tiếng Trung: 漢昭烈帝; 161 – 223) tên thật là Lưu Bị (劉備), tự là Huyền Đức (玄德). Ông là một nhà chính trị, một nhà quân sự và đã trở thành hoàng đế xây dựng nên Thục Hán nhằm mục đích trung hưng nhà Hán vào thời kỳ Tam Quốc. Ông xưng đế năm 221 nhằm đáp trả lại hành động của Tào Phi và tại vị cho đến năm 223 với niên hiệu Chương Vũ.



Lưu Bị là người huyện Trác (nay thuộc tỉnh Hà Bắc). Ông là con Lưu Hoằng, cháu Lưu Hùng, con cháu đời sau của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng, con trai của vua Cảnh Đế nhà Tây Hán. Đến đời Lưu Bị, gia nghiệp sa sút, đành dựa vào nghề đan giày, bện chiếu mà sống. Năm 184, khởi nghĩa Khăn Vàng nổ ra, nhà Hán triệu tập anh hùng các nơi để đánh giặc, Lưu Bị đã cùng Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa anh em cùng nhau đánh giặc. Lưu Bị lung lạc bốn bể, theo phò nhiều người như Lã Bố, Viên Thiệu, Tào Tháo, Lưu Biểu... trong một thời gian. Trong thời gian này ông chiêu mộ được nhiều người như Triệu Vân, Gia Cát Lượng. Năm 208, sau khi Đông Ngô đánh bại Tào Tháo trong trận Xích Bích, Lưu Bị dẫn quân thừa thế cướp Kinh châu dẫn đến những mâu thuẫn với Đông Ngô. Năm 214, ông đánh chiếm Tây Xuyên gây dựng một thế lực lớn tại Trung Hoa thời bấy giờ. Năm 219, quân đội ông đánh bại quân Tào Tháo do Hạ Hầu Uyên chỉ huy trong cuộc tiến đánh Hán Trung. Năm 220, Tào Phi cướp ngôi nhà Hán, Lưu Bị lên ngôi hoàng đế tại Thành Đô thành lập nên nhà Thục Hán.
Trận Di Lăng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông. Đội quân của ông bị Đông Ngô đánh bại. Sau trận đánh, ông lui về thành Bạch Đế (nay là Trùng Khánh). Năm 223, ông mắc bệnh nặng và chẳng bao lâu qua đời, thọ 63 tuổi. Ông mất, sự nghiệp nhà Hán cũng ngả nghiêng vì con ông là Lưu Thiện không có tài trị nước.

Khởi nghiệp

Khởi binh đánh quân Khăn Vàng và tham gia lộ quân Công Tôn Toản

Lưu Bị thu nạp được 2 người tài là Quan Vũ và Trương Phi. Trương Phi nguyện dốc hết gia sản chiêu mộ nghĩa binh. Lưu Bị nhờ đó tham gia trấn áp khởi nghĩa quân Khăn vàng mà nổi lên, từng cứu được cả Đổng Trác bị quân Khăn vàng vây khốn. Tuy nhiên đại tướng Hán là Hà Tiến cho rằng ông xuất thân nghèo hèn, chỉ ban cho chức Huyện lệnh Bình Dương.
Lưu Bị làm huyện lệnh Bình Dương một thời gian rồi từ quan, theo nương nhờ Công Tôn Toản, được cho giữ thành Bình Nguyên. Tại đây, ông gặp Triệu Vân, đối xử rất tốt khiến Triệu Vân cảm phục (sau này Triệu Vân đi theo Lưu Bị và trở thành một trong Ngũ hổ tướng).
Năm 190, Viên Thiệu cùng Tào Tháo khởi xướng đánh Đổng Trác phò Hán đế. Công Tôn Toản cũng tham gia liên quân, Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi cùng tham chiến.
Sau khi Lưu Bị bỏ về ít lâu thì liên quân Quan Đông cũng tan rã, các chư hầu cát cứ quay ra chinh phạt lẫn nhau.
Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa thì trong cuộc chiến Quan Đông thì Quan Vũ giết Hoa Hùng (tướng của Đổng Trác), Lưu Bị, Trương Phi, Quan Vũ cùng đánh Lã Bố, Tam anh chiến Lã Bố. Khi các chư hầu chinh phạt lẫn nhau, năm 191 Viên Thiệu mang quân đánh nhau với Công Tôn Toản tại trận Bản Hà. Tướng của Viên Thiệu là Triệu Vân dũng mãnh nhưng còn trẻ nên Viên Thiệu không dùng. Trong trận Bản Hà, Công Tôn Toản đánh bại Viên Thiệu, rượt quân Viên sang bờ kia con sông. Viên Thiệu cho quân mai phục ra, quân Công Tôn Toản chết vô số, Triệu Vân xông ra giúp đỡ Công Tôn Toản mà đánh quân Viên Thiệu, hỗ trợ Công Tôn Toản quay về bên đây con sông. Quân Viên Thiệu truy sát đến đánh rất gắt. Triệu Vân dồn sức cứu Công Tôn Toản thoát khỏi loạn quân. Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi xông ra cứu Công Tôn Toản và Triệu Vân về. Từ đó Triệu Vân đi theo Công Tôn Toản và Lưu Bị.

Giai đoạn ở Từ Châu

Năm 193 Quản Hợi (quân đội Khăn Vàng còn sót) mang quân đánh Thanh Châu của Khổng Dung, tình thế rất nguy cấp. Khổng Dung kêu gọi Công Tôn Toản giúp. Lưu Bị tình nguyện xuất binh giúp Khổng Dung, đánh Quản Hợi. Quan Vũ chém chết Quản Hợi tại trận.
Năm 194, Tào Tháo lấy cớ cha mình bị giết khi đi qua địa phận Từ Châu, đem quân tấn công và tàn sát khắp Tứ Thủy, giết trên 10 vạn dân, bao vây thành Từ Châu. Đào Khiêm gửi thư cầu cứu các lộ quân cát cứ, nhưng chỉ có Lưu Bị là hưởng ứng. Ông mượn được 4000 quân của Công Tôn Toản để tới cứu Từ Châu.
Lưu Bị mượn quân của Công Tôn Toản đến Từ Châu giúp Đào Khiêm phá được vòng vây Tào Tháo, Đào Khiêm mến Lưu Bị nên có ý nhượng Từ Châu cho Lưu Bị nhưng Lưu Bị tiến cử Viên Thuật. Đào Khiêm liền hỏi ý kiến Khổng Dung, Khổng Dung chê Thuật là "xương khô trong mả", không thể đảm đương (trong Tam quốc diễn nghĩa thì nhận xét này được gán cho Tào Tháo). Đào Khiêm bệnh mất, trước khi mất đã cầu xin Lưu Bị nhận Từ Châu. Lưu Bị bất đắc dĩ phải nhận.
Sau đó Lã Bố thua trận đến nương nhờ Lưu Bị, Lưu Bị cho ở nhờ. Sau đó, Lưu Bị được lệnh vua đi đánh Viên Thuật vừa xưng đế, giao Từ Châu lại cho Trương Phi, Lã Bố đánh úp Từ Châu khiến Lưu Bị phải đến nương nhờ Tào Tháo, nhờ Tào Tháo giúp đánh lại Lã Bố. Quân Tào đánh bại Lã Bố, chiếm Từ Châu.
Lưu Bị ở cạnh Tào Tháo ít lâu, biết Tào Tháo đã có ý dò xét, sau đó tính kế thoát thân. Ông xin Tào Tháo đi diệt Viên Thuật rồi trốn khỏi Tào Tháo. Lưu Bị mang 1000 quân đi chặn đánh Viên Thuật. Thuật bị thua trận phải quay trở lại và kiệt sức ốm chết. Cùng lúc, Lưu Bị mang 1000 quân đuổi được Thuật bèn chính thức ly khai khỏi Tào Tháo, mang quân chiếm lại Từ Châu, giết chết Xa Trụ.
Tào Tháo bèn đem quân đánh Lưu Bị, ba anh em Lưu, Quan, Trương thất tán mỗi người một nơi. Lưu Bị đến nương nhờ Viên Thiệu. Quan Vũ hàng Tào Tháo, giúp Tào quân giết Nhan Lương và Văn Sửu của Viên Thiệu. Lưu Bị viết thư báo cho Quan Vũ biết là mình còn sống. Biết Lưu Bị còn sống, Quan Vũ trả ấn hầu rồi bỏ Tào Tháo để đi tìm Lưu Bị, qua "ngũ quan trảm lục tướng". Sau đó ba anh em đoàn tụ. Lưu Bị xây dựng lực lượng tại Nhữ Nam.
Năm 201, nhân lúc Tào Tháo đang bắc phạt Viên Thiệu, Lưu Bị tại Nhữ Nam xuất binh đánh lên phía Bắc rồi rút về. Năm 202, Viên Thiệu mất, các con tranh ngôi mà tàn sát nhau. Tào Tháo mang quân xuống nam đánh Lưu Bị. Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân bại trận tại Nhữ Nam. Lưu Bị đến nương nhờ Lưu Biểu sau đó được cho đồn trú ở Tân Dã.

Ba lần tới lều tranh mời Gia Cát Lượng

Ở Tân Dã được ít lâu, Tào Tháo sai Tào Nhân đem quân đánh Lưu Bị. Lưu Bị dùng kế mai phục, hỏa thiêu gò Bác Vọng, đánh tan quân Tào.
Năm 207, Lưu Bị lặn lội không quản đường dài, đích thân ba lần tìm đến gặp Gia Cát. Quan - Trương thấy đường xa mệt nhọc nên bảo Lưu Bị chỉ cần viết thư mời, nhưng Bị cho rằng muốn cầu hiền tài phải thể hiện được tấm lòng nên đều đích thân đi. Gia Cát Lượng cảm động vì lòng chân thành nên ra khỏi lều tranh, giúp ông trị nước.
Gia Cát Lượng trình cho Lưu Bị "Long Trung đối sách", bàn về tình hình thiên hạ, kiến nghị Lưu Bị liên kết với Tôn Quyền lấy Kinh Châu, Ích Châu, và chống họ Tào. Gia Cát Lượng nói: "Tào Tháo có thiên thời, Tôn Quyền có địa lợi, còn chúa công có Nhân hòa. Chúa công nên lấy Nhân Hòa làm trọng thì sẽ tạo thành thế chia 3 thiên hạ, từ đó có thể thu phục Trung nguyên, chấn hưng Hán thất". Từ đó Lưu Bị coi cuộc đối thoại đó là tư tưởng chiến lược thống nhất thiên hạ.
Năm 208, Tào Tháo mang đại quân tấn công Kinh châu. Lưu Biểu chết, con là Lưu Tông đầu hàng Tào. Lưu Bị thấy thế cô lực mỏng nên rút khỏi Phàn Thành, rồi phái Gia Cát Lượng sang Giang Đông dùng tài diễn thuyết để thuyết phục Tôn Quyền liên minh chống Tào. Đô đốc quân Ngô là Chu Du có mưu sách dùng hoả công đại phá quân Tào ở Xích Bích nhưng không được như ý muốn vì thời tiết thay đổi, cùng lúc đó Gia Các Lượng xin Tôn Quyền lãnh ấn tiên phong lập đàn mượn gió, nắm bắt được thiên thời địa lợi, khi gió đông thổi đến là lúc hỏa công thiêu cháy liên hoàn thuyền của Tào Tháo.

Lên ngôi Hán Trung Vương

Sau cuộc chiến Xích Bích, Lưu Bị theo kế sách của Gia Cát Lượng, mang quân lên bắc chiếm Nam Quận, Kinh Châu, Tương Dương, xuống nam chiếm 4 thành Võ Lăng, Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa.
Năm 214, Lưu Bị giả vờ đến giúp đỡ Lưu Chương, là người cùng họ, nhưng đánh lén, chiếm lấy đất Thục. Từ đó ông có cả đất Kinh Châu và Ba Thục, trở thành một quyền lực lớn ở phía Tây, nhưng quân sư là Bàng Thống bị chết trong cuộc chiến.
Có ý kiến cho rằng Tào Tháo bỏ cơ hội đánh Tây Xuyên vì ông không đánh giá cao tài năng quân sự của Lưu Bị và trở về để lo dọn đường cho việc xưng vương. Đầu năm 219, Lưu Bị đem quân đánh Hán Trung. Quân Thục qua sông Miện Thuỷ, dựa vào sườn núi Định Quân đóng quân. Tướng Ngụy là Hạ Hầu Uyên không biết là kế, mang toàn quân đến vây đánh, bị phục binh của tướng Hoàng Trung từ trên núi đổ xuống đánh ngang sườn, Uyên và Thứ sử Ích châu là Triệu Ngung cùng tử trận. Tào Tháo mang quân trả thù cho Hạ Hầu Uyên. Lưu Bị theo kế Gia Cát Lượng mà xuất binh đánh tan quân Tào khắp nơi. Tào Tháo đồn trú tại Tà Cốc, Dương Tu khuyên lui binh khiến Tào Tháo nổi giận giết chết và quyết chiến với Lưu Bị. Lưu Bị quyết chiến với Tào Tháo và đánh bại quân Tào, Hoàng Trung bắn Tào Tháo 1 tên gãy hai cái răng cửa, Tào Tháo mém mất mạng, lui quân. Lưu Bị chiếm được Hán Trung, và tự xưng là Hán Trung Vương. Ông phong Ngũ Hổ Tướng gồm có: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung. Ngụy Diên được cho trấn thủ Hán Trung.
Ngụy vương Tào Tháo được tin, đích thân mang đại quân từ Tràng An qua hang Tà Cốc vào Xuyên để quyết chiến. Lưu Bị giữ thế phòng thủ không ra giao chiến. Qua hơn 1 tháng khiêu chiến không đánh được trận nào, quân Tào mệt mỏi. Lưu Bị lại sai người lọt vào hàng ngũ quân Tào làm nội ứng, phao tin đồn khiến quân Ngụy suy giảm nhuệ khí. Tào Tháo chán nản phải rút lui.
Năm 219, Quan Vũ mang quân đánh Phàn Thành, Lữ Mông bên Đông Ngô thừa cơ chiếm Kinh Châu. Quan Vũ trúng độc tiễn của quân Tào và lui quân về Kinh Châu, bị vây tại Mạch Thành. Quan Vũ xuất thành đi đường tắt về báo tin cho Lưu Bị tại Tây Xuyên nhưng bị Châu Nhiên bắt và Tôn Quyền sát hại. Lưu Bị rất đau lòng, muốn phạt Ngô nhưng Gia Cát Lượng đã khuyên can.
Năm 220, sau khi Tào Phi phế vua Hán Hiến Đế và xưng đế (tức Ngụy Văn Đế), Gia Cát Lượng cùng quần thần khuyên can 5 lần, Lưu Bị mới đồng ý lên làm hoàng đế, lấy quốc hiệu là Hán để kế tục nhà Hán, đóng đô ở Thành Đô. Tuy nhiên sử thường gọi là nước Thục hoặc Thục Hán, ít khi gọi là nước Hán.

Đánh Ngô thất bại

Sau 12 năm, Tào Tháo và nhiều tướng tài của Ngụy cũng đã qua đời. Long Trung đối sách cũng đã hoàn thành một nửa, thiên hạ chia 3, Lưu Bị đã có Kinh Châu, Ích Châu và Hán Trung, Thục-Ngô liên minh chống Tào. Tiếp theo Thục Hán sẽ hòa hoãn với Đông Ngô rồi phát binh, chia 2 mũi từ phía Tây và phía Nam hợp kích đánh bại Tào Ngụy để khôi phục nhà Hán.
Nhưng Quan Vũ không nghe theo ý kiến Gia Cát là "Đông hòa Tôn Quyền bắc cự Tào Tháo", liên tiếp tỏ ý khiêu khích Đông Ngô. Nhân lúc Quan Vũ đem quân tấn công quân Tào, Tôn Quyền sai đại tướng Lã Mông đánh úp lấy Kinh Châu, Quan Vũ bị bắt sống rồi bị chém đầu. Lưu Bị nổi giận mang quân báo thù làm cho quan hệ liên hiệp giữa Tôn Quyền và Lưu Bị tan vỡ, chiến tranh Ngô-Thục nổ ra. Cũng bắt đầu từ đấy hễ Thục bị Ngụy tấn công thì Ngô không thèm dòm tới cũng như Ngô bị Ngụy xâm lăng thì Thục cũng không tiến sang đông. (“Sử Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê).
Năm 221, Lưu Bị vì trả thù cho Quan Vũ, cất đại quân đánh Ngô, mặc dù Gia Cát Lượng và Triệu Vân hết lòng khuyên can. Liền sau đó ông truyền ngay lệnh khởi quân sang đánh Ngô, cũng không đem Gia Cát Lượng, Triệu Vân hay Mã Siêu đi cùng.
Tôn Quyền sai Lục Tốn đứng ra chỉ huy. Trong trận Di Lăng, quân Thục bị Lục Tốn đánh cho thua to. Lưu Bị thua trận, xấu hổ với nhân dân Thục quốc nên không về triều mà ở tại thành Bạch Đế, rồi buồn bã mà sinh bệnh nặng.

Gửi con thành Bạch Đế

Năm sau, bị bệnh mất ở thành Bạch Đế (nay là huyện Phụng Tiết, Tứ Xuyên), hưởng thọ 62 tuổi. Trước khi lâm chung, ông cho gọi các con, Gia Cát Lượng và Triệu Vân đến căn dặn. Tại đây ông bày tỏ hối hận vì không nghe theo Khổng Minh, rồi bảo các con phải nhận Khổng Minh làm cha nuôi, mọi sự không được làm trái. Triệu Vân (tướng cuối cùng trong Ngũ Hổ tướng) cũng được ông gửi gắm. Cả hai đều bật khóc nguyện dốc hết sức phò trợ hậu chủ, thực hiện di nguyện khôi phục nhà Hán của Lưu Bị.
Ông được truy tôn là Hán Liệt Tổ Chiêu Liệt Hoàng đế nhưng thường được gọi tắt là Thục Chiêu Liệt Đế. Con trưởng là Lưu Thiện lên kế vị, tức là Hán Hoài Đế.

Giai thoại trong dân gian và trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa

Tam anh kết nghĩa vườn đào

Một hôm ra chợ, ông gặp hai người là Quan Vũ và Trương Phi đang cãi cọ và nhanh chóng nhận ra cả hai đều có tướng mạo, sức lực phi phàm. Ông can ngăn hai người rồi mời vào quán rượu cùng luận bàn thế sự, tỏ rõ ý chí của mình.
Cảm nghĩa khí và phong thái Lưu Bị cũng như tương đồng về lý tưởng, Quan Vũ - Trương Phi đã cùng ông kết nghĩa huynh đệ trong vườn đào. Tại đây ba người thề "Không cùng sinh cùng ngày cùng tháng, nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm". Dù không được chính sử chép lại và có thể chỉ là do dân gian thêu dệt, song điển tích "Kết nghĩa vườn đào" trở thành mẫu mực, được dùng để ẩn dụ về tình huynh đệ kết nghĩa keo sơn gắn bó.

Uống rượu luận anh hùng

Lưu Bị ở Hứa Xương bị Tào Tháo giám sát. Ông ngầm liên kết với Đổng Thừa diệt Tào. Lưu Bị vẫn đề phòng việc Tháo có thể mưu hại, nên thường ra vườn sau trồng rau, tỏ ra không có tham vọng.
Một hôm Tào Tháo mời ông vào phủ uống rượu. Khi bàn luận ai đương thời xứng đáng là anh hùng, Lưu Bị kể ra những Viên Thiệu, Viên Thuật, Tôn Sách, Lưu Biểu... song Tào Tháo đều chê bai những người đó, bảo anh hùng "Phải là người nuôi chí lớn trong tim óc, lại phải có mưu cao kế giỏi, có tài bao tàng cả máy vũ trụ trong lòng, có chí nuối trời mửa đất" và nói: "Anh hùng trong thiên hạ ngày nay, chỉ có Sứ quân với Tháo này thôi!"
Lưu Bị giật nẩy mình, đôi đũa cầm trên tay rơi xuống đất. Vừa vặn có tiếng sấm nổ ran. Ông từ từ cúi xuống, vừa lượm đôi đũa và nói lý do mình làm rơi đũa vì sấm, khiến Tào Tháo khỏi nghi ngờ chí lớn của ông.

Dùng nghĩa cảm Từ Thứ

Năm ông 47 tuổi, Lưu Bị gặp mưu sĩ Từ Thứ. Tào Tháo sai Tào Nhân đem 5 vạn quân đánh Lưu Bị chỉ có 5000 quân. Lưu Bị được Từ Thứ hiến kế mai phục, đánh tan quân Tào. Biết Lưu Bị đã có nhân tài, Tào Tháo dùng mẹ Từ Thứ ép ông phải rời Lưu Bị.
Có người khuyên Lưu Bị nên tìm cách giữ chân Từ Thứ, Tào Tháo đợi lâu sẽ giết mẹ Thứ, nhờ đó Thứ sẽ vì báo thù mà càng ra sức giúp. Nhưng Lưu Bị không đồng tình vì ông không muốn lợi dụng Từ Thứ. Từ Thứ trước khi ra đi tiến cử Gia Cát Lượng cho ông.

Tính cách

Lưu Bị tuy dòng dõi tôn thất, nhưng xuất thân là kẻ dệt cói đóng giày, gia sản nghèo nàn, không đất dung thân, lúc dưới trướng Tào Tháo, khi nương nhờ Viên Thiệu, Lưu Biểu... vậy mà cuối cùng đã làm nên cơ đồ chia ba thiên hạ, làm vua một nước. Trong khi đó Tào Tháo, Tôn Quyền đều là con cháu thế gia, có sẵn gia nghiệp để gây dựng cơ đồ.
Bí quyết thành công của Huyền Đức nằm trong hai chữ Nhân Hòa. Trong đoạn trường gây dựng sự nghiệp, có thể có nhiều điều Lưu Bị phải nhờ Khổng Minh chỉ cho. Song, hai chữ Nhân Hòa thì Lưu Bị không phải đợi đến Khổng Minh, mà điều đó đã là máu thịt của Lưu Bị vậy. Lưu Bị là Nhân Hòa, phi Nhân Hòa bất thành Lưu Bị. Vì thế, khi nghe Khổng Minh nói: "Chúa công ở giữa nên lấy Nhân Hòa", Lưu Bị đã thấy ngay mình gặp được Khổng Minh như cá gặp nước.
Lưu Bị là một nhà lãnh đạo có sức hút và rất giỏi thu phục lòng người. Ông có trong tay nhiều nhân tài, những người này đều trung thành theo ông tới chết (không như nhà Ngụy diễn ra nhiều cuộc phản loạn, tiêu biểu là cha con Tư Mã Ý giết vua Ngụy chiếm ngôi). Bởi có Nhân Hòa mà Lưu Bị có được dưới trướng những người hiền tài bậc nhất trong thiên hạ như Khổng Minh, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Mã Siêu...
Với tài thu phục nhân tâm, Lưu Bị thu nạp được rất nhiều người tài. Thuở lập nghiệp, ông dù tay trắng nhưng 2 mãnh tướng Quan Vũ, Trương Phi vẫn bất chấp khó khăn mà phụng sự ông tới cùng. Lưu Bị có Gia Cát Lượng làm quân sư, sau đó, có thêm 1 đại quân sư nữa là Bàng Thống. Và, nhờ Nhân Hòa mà Triệu Vân hai bận quên chết cứu ấu chúa, lão tướng Hoàng Trung quên tuổi tác ba phen đòi lên ngựa cầm gươm. Nhờ có Nhân Hòa mà Lưu Bị làm nên nghiệp đế. "Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa" (Thuận cơ trời không bằng địa lợi, được địa lợi không bằng được lòng người), Mạnh Tử nói thế quả đúng vậy.
Tuy nhiên, không phủ nhận như những bá chủ thời loạn khác, rõ ràng Lưu Bị là nhà lãnh đạo có tham vọng rất lớn, và là một người biết nắm bắt cơ hội. Ông cùng Tào Tháo phá Lã Bố ở Từ Châu, nhưng Lưu Bị lại khuyên Tào Tháo giết Lã Bố, trừ đi mối họa sau này. Sau đó ông dùng mưu thoát khỏi Tào Tháo để chạy theo Viên Thiệu, sau đó rời bỏ Viên Thiệu để nương nhờ Lưu Biểu. Sau trận Xích Bích, ông chớp thời cơ chiếm lấy Kinh Châu trước quân Ngô, lập Lưu Kỳ vốn ốm yếu làm bình phong để từ chối giao Kinh Châu.
Rõ ràng nhất là việc đánh úp Lưu Chương chiếm đất Thục, rồi cho Lưu Chương chức Huyện lệnh để giam lỏng. Ông cũng cho người giết Bành Dạng, một trong số những người giúp ông chiếm Ba Thục. Và sự nhanh nhạy của Lưu Bị cũng bộc lộ phần nào trong các mẩu chuyện dân gian như “Mượn sấm để lừa Tào Tháo”, “Quẳng con mua lòng tướng”.
Tài cầm quân của Lưu Bị, tuy bị che lấp bởi Gia Cát Lượng và các tướng dưới quyền, nhưng cũng có nhiều trận ông thể hiện được tài cầm quân. Khi Từ Châu bị Tào Tháo vây, Lưu Bị chỉ có 4.000 quân, chiêu hàng được vài ngàn nạn dân Ô Hoàn, rồi lại được Đào Khiêm cấp 4.000 quân nữa, có hơn 1 vạn người mà đã phá được vòng vây của 5 vạn quân Tào, cùng Đào Khiêm thế thủ ở Đan Dương. Hay việc Lưu Bị chỉ có 1 vạn quân mà phá được Viên Thuật có 4 vạn quân (việc mà Lã Bố cũng chưa làm được)

Gia đình

  • Cha: Lưu Hoằng(劉弘), hậu duệ của Lưu Thắng
  • Chú:
    • Lưu Nguyên Khởi (劉元起), em trai của Lưu Hoằng
    • Lưu Tử Kính (劉子敬)
  • Vợ:
    • Cam phu nhân, mẹ của Lưu Thiện, sau khi mất được tôn vinh là Chiêu Liệt hoàng hậu
    • My phu nhân em gái của Mi Trúc
    • Tôn phu nhân, em gái của Tôn Sách
    • Ngô hoàng hậu[1]
  • Con:
    • Lưu Thiện con của Cam phu nhân
    • Lưu Vĩnh (劉永)
    • Lưu Lý (劉理)
    • Hai người con gái, bị Tào Thuần bắt trong trận Trường Bản, sau lấy con trai Tào Thuần
  • Con nuôi:
    • Lưu Phong, tên thật là Khấu Phong, bị buộc tự tử năm 220
  • Cháu:
    • Lưu Tuyền, con trai lớn của Lưu Thiện
    • Lưu Dao (劉瑤), con trai thứ 2 của Lưu Thiện
    • Lưu Tông(劉琮), con trai thứ 3 của Lưu Thiện
    • Lưu Toản (劉瓚), con trai thứ 4 của Lưu Thiện
    • Lưu Kham, con trai thứ 5 của Lưu Thiện
    • Lưu Tuân(劉恂),con trai thứ 6 của Lưu Thiện
    • Lưu Cừ(劉璩), con trai thứ 7 của Lưu Thiện
    • Lưu Dận(劉胤), con trai lớn của Lưu Lý, chết lúc 19 tuổi
    • Lưu Tập(劉輯), con trai thứ 2 của Lưu Lý
  • Chắt:
    • Lưu Thừa (劉丞), con của Lưu Dận, chết lúc 20 tuổi
    • Lưu Huyền (劉玄), cháu của Lưu Vĩnh

Trong văn học


Vai trò lịch sử
Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lưu Bị được nhà văn La Quán Trung ca ngợi, và đối thủ của Lưu Bị là Tào Tháo là vai phản diện. Trong tiểu thuyết, Lưu Bị được mô tả có hình dáng "cao 7 thước rưỡi", "hai tai chảy xuống gần vai", "mắt trông thấy được tai", "hai tay buông khỏi đầu gối", "mặt đẹp như ngọc", "môi đỏ như thoa son". Theo tác giả, bí quyết thành công của Lưu Bị nằm trong hai chữ "nhân hòa", ông là người rất được lòng dân biết yêu thương dân chúng.
La Quán Trung mô tả Lưu Bị như sau:
Một vị anh hùng tính ôn hòa, ít nói, mừng giận không lộ ra sắc mặt, nhưng lại có chí lớn, chỉ thích kết giao với các tay hào kiệt trong thiên hạ. Người này mình cao bảy thước rưỡi, hai tai chảy xuống gần vai, mắt trông thấy được tai, hai tay buông khỏi đầu gối, mặt đẹp như ngọc, môi đỏ như thoa son.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét