Trong ba anh em Lưu Quan Trương, ngoại trừ Lưu Bị rất thân cận với
Khổng Minh, trong hai người còn lại Trương Phi là kẻ lỗ mãng, ít suy
nghĩ sâu xa còn Quan Vũ luôn tỏ ra thâm trầm. Xét theo lý, một kẻ trí
giả như Khổng Minh ắt phải thân cận và trọng dụng Quan Vũ hơn Trương
Phi. Nhưng thực tế thì Khổng Minh lại rất trọng dụng thân mật với Trương
Phi mà xa rời thậm chí là nghi kị với Quan Vũ. Vì sao như vậy? Điều này
có lẽ phải xuất phát từ chính đặc điểm xuất thân của từng người mới
mong lý giải được.
Tam Quốc chí khi nhận xét về Trương Phi, Quan Vũ nói: “Vũ trọng sĩ tốt mà nghi kị sĩ đại phu, Phi yêu kính kẻ quân tử mà phớt lờ kẻ tiểu nhân”.
Gia Cát Lượng đối với Quan Vũ luôn cố gắng giữ một mối quan hệ rất khách khí, tốt đẹp. Bởi vì Quan Vũ không hoàn toàn phục vị quân sư này. Phương kế liên kết với Ngô của Khổng Minh, Quan Vũ có thực hiện nhưng không hề cố gắng, đó là một minh chứng rất rõ. Thậm chí, Quan Vũ trong nhiều trường hợp còn cố gắng đi ngược lại với phương hướng này. Tuy Quan Vũ ở Kinh Châu xa xôi nhưng người này trước nay vẫn lấy địa vị cao hơn những người khác trong tập đoàn quân Thục của mình để ra oai. Sau khi Mã Siêu đầu quân cho Thục nhờ giải quyết vấn đề Ích Châu mà lập được công lao, nhận được vinh dự lớn. Quan Vũ không phục, muốn bỏ Kinh Châu đến Tứ Xuyên để so tài cao thấp với Mã Siêu. Gia Cát Lượng vội gửi cho ông ta một bức thư vỗ về, nịnh ông ta hết lời mới làm ông ta nguôi ngoai. Sau khi Lưu Bị làm Hán Trung Vương, muốn dùng Hoàng Trung làm hậu tướng quân. Gia Cát Lượng nói: “Danh vọng của Trung, vốn không thể so được với Quan Vũ, Mã Siêu mà nay để họ đứng ngang hàng. Mã Siêu và Trương Phi ở gần, tự mình nhìn thấy công trạng của Hoàng Trung còn có thể chỉ rõ được. Như Quan Vũ ở xa, sợ tất là không vui, e rằng không được”. Câu nói này có thể thấy được thái độ của Gia Cát Lượng đối với Quan Vũ như thế nào.
Trương Phi thì không như vậy, chỉ cần Gia Cát Lượng nhắc đến tên ông ta là ông ta dốc hết lòng mà làm. Đồng thời, nhiều lần cũng phát huy tính sáng tạo lập nên kỳ công. Vì thế giữa Gia Cát Lượng và vị tướng lỗ mãng Trương Phi hình thành một mối quan hề ngầm không nói mà vẫn hiểu nhau. Khi có tin tức báo về doanh trại, nói gần đây Phi uống rượu say, Gia Cát Lượng không những không tăng thêm tội còn phái người mang rượu đến cho Trương Phi. Điều này cho thấy giữa họ có một sự thấu hiểu và cảm thông không nói thành lời.
Ban đầu khi Lưu Quan Trương khởi sự, theo địa vị kinh tế, xã hội, Trương Phi là người giàu có nhất, “sống ở quận Trạch, có trang điền”, là một chủ trang viên có tài sản và tiền của. Còn Lưu Bị chẳng qua chỉ là một kẻ “bán giày đan chiếu”, mặc dù tự xưng là hậu duệ của hoàng thất nhưng đã bị suy tàn từ lâu. Nếu như cứ mãi đem hai chữ hậu duệ hoàng thất trưng ra thì so với câu nói của AQ “bố mày trước kia cũng giàu có” chẳng khác là bao. Sau đó Hán Hiến đế Lưu Hiệp có gọi ông ta một tiếng “Hoàng thúc”, nhưng là do nhu cầu chính trị mà thôi. Các Hoàng đế trong lịch sử để lung lạc nhân tâm vẫn thường có thói quen ban thưởng họ của vua vì thế đừng có tưởng thật. Ai có phấn mà chẳng đem đắp lên mặt? Lưu Bị chẳng qua chỉ là một người thuộc tầng lớp tiểu thủ công. Còn Quan Vũ thực ra chỉ là một người chuyên đẩy xe hàng mà thôi. Theo quan niệm ngày nay, ông ta thuộc tầng lớp lao động không có tài sản.
Từ đó mà suy luận thì mối quan hệ giữa Gia Cát Lượng và ba anh em Lưu Quan Trương sợ là do tầng lớp xuất thân bất đồng mà thái độ đối đãi với phần tử trí thức không tránh được sự khác biệt. Điều này có lẽ cần được thảo luận một cách kỹ lưỡng hơn.
Khi khởi sự Lưu Bị đã là một người thuộc tầng lớp thủ công nghiệp kiêm tiểu thương nhưng trước đó ông ta thuộc tầng lớp quý tộc sa sút, chí ít vẫn còn có chỗ đứng nhất định. Lưu Bị từng bái Lư Thực làm thầy, rõ ràng trình độ văn hóa của ông ta cao hơn hẳn so với Quan Vũ và Trương Phi. Như thế Lưu Bị không những giống với Khổng Minh về mặt chính trị mà về mặt văn hóa cũng có rất nhiều điểm tương đồng. Trương Phi là chủ điền viên, gia đình giàu có. Có thể tụ tập hơn ba trăm người ở vườn đào thì dù cho không phải là sĩ tộc tầng lớp trên cũng là một thân hào có của. Vì thế Trương Phi so với Khổng Minh, người có gia trang ở Nam Dương về nền tảng kinh tế không khác nhau nhiều nên cũng dễ dàng tìm thấy tiếng nói chung. Còn Quan Vân Trường là một người không có tài sản, tự sống bằng sức lao động của mình. Nghề đẩy xe chở hàng của ông ta không cần dựa vào phường hội, rất độc lập nên dễ sản sinh ra cách nhìn thiên lệch giai cấp. Đồng thời bản thân ông ta cũng chỉ biết vài chữ nên không phục văn hóa và tầng lớp sĩ đại phu. Vì vậy mối quan hệ giữa ông ta với Gia Cát Lượng không được như hai vị anh em của mình là điều không khó giải thích.
Lại thêm Quan Vũ kiêu ngạo tự mãn, cố chấp, luôn tự cho mình là đúng. Đặc biệt là từ sau khi ông ta được phong làm Hán đình hầu thì cảm giác tự tôn tự ngã của ông ta càng tăng thêm. Đến khi một mình lãnh tránh nhiệm lớn bảo vệ Kinh Châu thì ông ta càng trở thành kẻ mà “mục hạ vô nhân” (trong mắt không có ai). Đây là việc khiến người khác chê cười nhưng đối với Quan Vũ thì rất đáng tiếc. Nếu như Quan Vũ có một chút tỉnh ngộ thì đã không chạy đến Mạch Thành để đến nỗi đầu thân mỗi thứ một nơi như vậy.
Các nhân vật từ trên xuống dưới:
Quan Vũ, Triệu Vân, Trương Phi, Hoàng Trung, Điêu Thuyền, Mã Siêu, Hứa Chử, Gia Cát Lượng |
Gia Cát Lượng tới Tân Dã, Quan Trương kết hợp cùng nhau ngăn cản vị quân sư này nhưng người trách mắng là Trương Phi còn Quan Vũ là một người thích tỏ ra thâm trầm, ngồi ở phía sau xui khiến Trương Phi. Từ sau “ba lần đến lều tranh”, Quan Vũ không hề tin vào năng lực của Gia Cát Lượng. Ông ta vốn xưa nay không hề có cảm tình với tầng lớp trí thức và điều này khó bề thay đổi được. Quan Vũ từ đẩy xe trên đường Sơn Tây, những vị quan lại triều Hán đã áp bức ông ta, lừa dối ông ta khiến ông ta luôn có ý thức nghi kỵ và phản kháng. Trong tâm ông ta luôn nói, có gì giỏi giang lắm đâu, toàn là một lũ tởm lợm, giá áo túi cơm. Khi thấy Lưu Bị nhọc lòng “ba lần đến lều tranh”, Quan Vũ nói với Lưu Bị rằng: “Huynh trưởng hai lần đích thân đến bái kiến, cái lễ đó là quá lắm rồi. Nghĩ rằng Gia Cát Lượng chỉ có hư danh mà không có thực học nên mới cố tránh mặt mà không gặp. Sao huynh lại bị mê hoặc bởi con người này như vậy!”. Chữ “mê hoặc” là câu nói từ trong lòng của Quan Vũ. Bởi vì một khi Khổng Minh trợ giúp Lưu Bị thì địa vị trợ thủ lâu nay của ông ta sẽ bị lung lay. Từ đó trở đi giữa ông ta và Lưu Bị không thể có sự thân cận như trước được nữa. Khi Lưu Bị sang Đông Ngô cầu thân, Gia Cát Lượng phái Triệu Vân đi theo bảo vệ mà không dám trao túi gấm diệu kế cho Quan Vũ sợ Quan Vũ làm loạn chủ trương của mình. Sau khi mượn gió Đông cho Chu Du, làm nên trận Xích Bích nổi tiếng, Gia Cát Lượng cũng sắp xếp Triệu Vân đến đón ông ta trở về chứ không dám làm phiền đến Quan lão gia, sợ ông ta chưa chắc đã theo hẹn mà tới, sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mình. Chiến dịch Xích Bích, Gia Cát Lượng lần lữa không để ý đến Quan Vũ. Nhiều người nói là do Gia Cát Lượng cố ý dùng kế khích tướng đối với Quan Vũ. Nhưng thực tế xét trong mối quan hệ giữa hai người thì rõ là vị quân sư này vẫn còn có chỗ khó xử. Vì sử sách cũng không có ghi chép gì, đành phải tin bừa như vậy. Nhưng cuối cùng Gia Cát Lượng mới sắp xếp Quan Vũ chặn ở đường Hoa Dung có thể thấy là đối với vị tướng kiêu ngạo này không thể không cân nhắc, rõ ràng còn có chỗ lo lắng khó xử.
Quan Vũ thấy mình không được xếp đặt ở vị trí quan trọng, khi đó đã trách hỏi Gia Cát Lượng: “Quan mỗ đã theo huynh trưởng chinh chiến đã rất nhiều năm chưa từng ở lại phía sau. Nay gặp đại địch, quân sư lại không giao trọng trách như vậy là có ý gì?”. Nghe khẩu khí của Quan Vũ không biết là Gia Cát Lượng chỉ huy Quan Vũ hay là Quan Vũ chỉ huy Gia Cát Lượng? Quan Vũ lấy việc mình là anh em kết nghĩa với Lưu Bị mà tự cho mình đặc quyền ngang với quân sư. Đợi tới khi không bắt được Tào Tháo ở Hoa Dung, phạm phải quân lệnh vẫn còn có Lưu Bị đứng ra nói đỡ. Kỳ thực chính vì ông ta biết kết quả tất là như thế mới dám tha cho Tào Tháo ở Hoa Dung.
Nếu như Khổng Minh chấp pháp như sơn, từ việc ông ta tha cho Tào Tháo ở Hoa Dung mà trừng phạt nghiêm khắc thì sau này khi ông ta làm chủ mọi việc ở Kinh Châu có lẽ đã không dám tự mình quyết định mọi việc mà chẳng biết trời cao đất dày là gì. Chính vì sự bao che của Lưu Bị, Gia Cát Lượng cũng không thể không nhân nhượng, vì thế không thể trách mình, càng không thể trách người.
Xem ra, Gia Cát Lượng là một phần tử trí thức cũng có chỗ nhu nhược không thuốc nào chữa được. Gia Cát Lượng đối với vị tướng quân quyền cao hơn người, lại có hậu đài chắc chắn, trong lòng không hề phục mình cũng là một vị Hán đình hầu xuất thân từ tầng lớp lao động ngoại từ việc cho mình có thể thay đổi đại cục, làm việc vô nguyên tắc vẫn nghĩ rằng ông ta vẫn có thể làm được điều gì đó chăng?
Chỗ khó xử của loại vô nguyên tắc này từ cổ chí kim há chẳng phải là chỉ có một mình Gia Cát Lượng hay sao? Nhưng mà sự vô nguyên tắc nào cũng không thể tồn tại được lâu. Cuối cùng Quan Vũ đại bại tại Kinh Châu chẳng phải chính là hậu quả từ việc Khổng Minh cả nể, qua loa không triệt để trong quân lệnh hay sao?
Tấm gương lịch sử còn sáng mãi, hậu bối chúng ta ngày nay trong việc dùng người cần phải cẩn trọng, dùng người đúng việc. Như Khổng Minh tài thao lược nhưng cuối cùng vì cả nể nên bỏ đi một tướng tài. Quan Vũ anh hùng cái thế nhưng vì áp lực thành kiến nên cuốicùng đại bại. Ngày nay, trong việc kinh doanh chúng ta có thể quá xem trọng chiến hữu mà làm cho người tài không thể dốc hết sức vì chúng ta . Lưu Bang lên ngôi Hàn Tín phải chết, Minh Thái Tổ vững vàng thì Lưu Bá Ôn phải về trời đạo lí này ngàn xưa còn mãi . Hậu thế có thể trách Hán Cao Tổ vong ân nhưng không như thế thì làm sao có thể tồn tại được vương triều nhà Hán thịnh trị mấy trăm năm. Mỗi thời mỗi người, thuở hàn vi chúng ta có thể đồng cam cộng khổ nhưng thời thịnh trị dễ nảy sinh lòng dạ nọ kia.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét