Blogroll

Khương Duy

Khương Duy (姜維, Wade-Giles: Chiang Wei, 204-264), là một tướng và sau này là thừa tướng nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Thân thế

Khương Duy tự là Bá Ước (伯約), người huyện Ký, Thiên Thuỷ[1].
Cha ông là Khương Quýnh từng làm chức Công tào trong quận. Khi người Nhung và người Khương chống lại nhà Ngụy, Khương Quýnh bảo vệ cho thái thú và bị tử trận. Vì vậy nhà Ngụy phong cho ông làm chức Trung lang.
Cha mất sớm, Khương Duy sống với mẹ, say mê Kinh học của Trịnh Huyền, làm chức Thượng kê duyên (ghi chép) trong quận, sau đó ông được làm tùng sự.

Hàng Thục

Năm 228, Thừa tướng nhà Thục Hán là Gia Cát Lượng xuất quân bắc phạt, ra Kỳ Sơn lần thứ nhất. Thái thú Thiên Thuỷ là Mã Tuân dẫn ông cùng Lương Tự, Doãn Thưởng, Lương Kiều và thứ sử Ung châu là Quách Hoài đi tuần các nơi.
Nghe tin quân Thục đến Kỳ Sơn, Quách Hoài trở về Thượng Khuê phòng bị. Mã Tuân một mình ở lại Ký huyện xa xôi phía tây, thế cô, có ý lo sợ. Khương Duy khuyên Tuân về phòng thủ Ký huyện nhưng Tuân không nghe và có ý nghi ngờ Khương Duy, nói rằng:
Bọn các ngươi đều không đáng tin cậy!
Rồi Tuân nhân đêm tối bỏ chạy về Thượng Khuê với Quách Hoài. Khương Duy sau mới phát hiện ra, bèn chạy theo, nhưng đến nơi thì thành Thượng Khuê đóng cửa, không cho ông vào. Ông quay trở về Ký huyện thì Ký huyện cũng đóng cửa ngăn ông. Ông bèn chạy sang đầu hàng Gia Cát Lượng.
Thấy ông lại hàng, Gia Cát Lượng rất mừng. Nhưng sau đó Mã Tốc để mất Nhai Đình nên quân Thục phải triệt thoái. Khương Duy theo quân Thục về nước và lạc mất mẹ.
Gia Cát mến tài ông, phong làm Thương tào duyện, Phụng Nghĩa tướng quân, rồi Đan Dương đình hầu khi ông mới 27 tuổi (230). Trong thư gửi Trương Duệ, Gia Cát khen ngợi tài năng của ông:
”Khương Bá Ước là người trung thành, cần cù, suy nghĩ chín chắn… Người này đích thực là nhân vật xuất chúng về quân sự... Cái quý nhất là trong lòng anh ta vẫn còn nhà Hán...”
Trong thời gian Gia Cát Lượng ra Kỳ Sơn đánh Tào Ngụy những lần sau đó, Khương Duy đều tham gia chiến trận.

Đánh Ngụy

Năm 234, Gia Cát Lượng mất. Khương Duy được giao trọng trách giữ việc quân sự. Ông trở về Thành Đô nhận chức Tả giám quân, Phù Hán tướng quân, Bình Tương hầu. Trên thực tế, ông vẫn ở dưới quyền Tưởng Uyển.
Năm 238, Uyển được phong làm Đại tư mã thì Khương Duy được phong làm Tư mã.
Năm 243, ông lại được phong làm Trấn tây đại tướng quân, kiêm nhiệm thứ sử Kinh châu.

Lần thứ nhất

Năm 247, sau khi Tưởng Uyển mất, Phí Vĩ lên làm Thừa tướng, ông được phong làm Vệ tướng quân.
Năm đó các tộc thiểu số ở Vấn Sơn và huyện Bình Khang nổi dậy, ông thống lĩnh quân mã đi đánh dẹp, bình định hai vùng. Cùng năm, ông mang quân giao chiến với các tướng Nguỵ là Quách Hoài và Trần Thái . Tuy nhiên , ông bị bại trận tại núi Ngưu Đầu và bị thiệt vài vạn quân

Lần thứ hai

Năm diên Hi thứ sáu nhà Thục , nhân lúc quân Đông Ngô thắng trận . Khương Duy cất quân đến Nam An . Ông đã dùng mưu chém được Từ Chất , vây khốn Tư Mã Chiêu trên núi Thiết Lung , nhưng bị quân Nguỵ trà trộn vào quân Khương đón đánh nên bại trận

Lần thứ ba

Năm 253, Phí Vĩ mất, Khương Duy lên nắm quyền. Ông dẫn quân ra đường Bào Hãn , đối đầu với thứ sử Ung Châu là Vương Kinh . Tại đây , ông đã dùng mẹo dử quân Nguỵ đến gần sông Thao thuỷ rồi quay binh đánh vật lại , giết hơn một vạn quân . Trên đà thắng lợi , Khương Duy tiến đến đồ thành Địch Đạo , nhưng không thành công . Sau đó tướng Ngụy là Trần Thái cùng thứ sử Duyện Châu là Đặng Ngải đến giải vây, ông bị hết lương phải rút quân về

Lần thứ tư

Năm 256, Khương Duy được Lưu Thiện phong làm Đại tướng. Ông chỉnh đốn binh mã, ước định ngày giờ hội quân với Hồ Tế ở Thượng Khuê nhưng Hồ Tế không đến. Khương Duy giao chiến với Đặng Ngải ở Đoạn Cốc, quân Thục bị đánh bại, thương vong khá nhiều. Vì vậy dân chúng oán hận ông, các địa phương Lũng Tây cũng nhân đó nổi loạn.
Khương Duy dẫn quân về, xin chịu tội, tự giáng chức Thừa tướng như Gia Cát Lượng từng làm khi mất Nhai Đình trước kia để lập công chuộc tội. Lưu Thiện chuẩn y giáng ông làm Hậu tướng quân, lo việc Đại tướng quân.

Lần thứ năm

Năm 257, tướng Ngụy là Gia Cát Đản phản đối quyền thần Tư Mã Chiêu, làm phản ở Hoài Nam. Khương Duy nhân cơ hội đó mang quân đánh Ngụy, từ lạc Cốc đến Đạt Thẩm Lĩnh. Lúc đó ở Trường Thành của nước Ngụy có nhiều lương thảo nhưng ít quân bảo vệ. Nghe tin ông tiến đến, quân Ngụy bỏ chạy.
Tướng Ngụy là Tư Mã Vọng mang quân đến giao chiến, Đặng Ngải cũng xuất quân từ Lũng Hữu đến Trường Thành. Khương Duy thúc quân tiến đánh. Ông dựa vào sườn núi cắm trại. Tư Mã Vọng và Đặng Ngải cố thủ ở sông Vị Thuỷ, dù ông khiêu chiến nhiều lần nhưng quân Ngụy không ra.
Sang năm 258, có tin Gia Cát Đản đã thất bại truyền tới mà quân Ngụy vẫn phòng thủ vững, ông rút quân về Thành Đô, được phục chức Đại tướng quân

Lần thứ sáu

Năm Cảnh Diệu Thứ Nhất . Khương Duy kéo quân ra Kỳ Sơn hạ trại . Ông đã liên tục giao đấu và đánh thăng Đặng Ngải nhiều trận . Đặng Ngải chỉ còn cách sai người vào Thành Đô kết liên với Hoàng Hạo , phao tin đồn rằng Khương Duy có bụng tạo phản . Cho nên Hậu chủ Lưu Thiền liền giáng chiếu triệu Khương Duy trở về

Lần thứ bảy

Nhân dịp Tư Mã Chiêu giết nguỵ chủ Tào Mao , Khương Duy cất Mười lăm vạn quân chia làm ba đường . Trương Dực đi ra Lạc Cốc , Liêu Hoá đi lối ra hang Tí Ngọ . Duy ra hang Tà Cốc Ba mặt cung kéo đến Kỳ Sơn Đặng Ngải liền sai Vương Quán giả làm cháu Vương Kinh ( Vương Kinh bị giết bởi Tư Mã Chiêu ) đến hàng Khương Duy với mục đích làm nội ứng . Tuy nhiên , mưu kế này nhanh chóng bị phát giác . Khương Duy năm rõ giờ giấc liền đổi ngày hẹn rồi đem quân phục sẵn trong hang Đàm Sơn vây đánh Đặng Ngải. Đặng Ngải bị đánh bại , thiệt hại nhiều quân , chuyến này Khương Duy tuy thắng nhưng bị phá mất lương thảo đường sàn do Vương Quán liều chết đốt bỏ . Cho nên ông đành phải rút quân về để đón đánh và giết chết Vương Quán

Lần thứ tám

Khương Duy nghiên cứu địa thế nước Thục, đề ra sách lược mới là “liễm binh tụ cốc” (thu quân tập hợp lương thảo), tức là phòng thủ, thu hết lương thảo vào Hán Thành và Lạc Thành khiến quân địch không có lương, nhân thời cơ quân địch vào sâu nội địa để tập kích, quấy rối. Khi quân địch đi xa thiếu lương sẽ nguy cấp và quân Thục sẽ đồng thời phản công.
Năm 262, Khương Duy mang quân ra khỏi Hán Thành đánh Ngụy, bị Đặng Ngải đánh bại, phải lui quân về Đạp Trung[2].
Khi đó trong triều đình, Hậu chủ Lưu Thiện tin dùng hoạn quan Hoàng Hạo, bỏ việc chính sự. Khương Duy rất bất mãn, muốn xin Lưu Thiện giết Hạo không được. Lưu Thiện lại nói việc đó với Hạo và bắt Hạo xin lỗi ông. Ông lo rằng Hạo sẽ trả thù, nên xin ra trồng lúa ở Đạp Trung.

Tận trung với Thục Hán

Lần thứ 9 Khương Duy đương đầu với quân Ngụy không phải là đánh vào đất Ngụy mà ông chống cuộc tây tiến của quân Ngụy. Đây cũng là cuộc chiến cuối cùng của Khương Duy.

Chống Chung Hội

Năm 263, quyền thần Tư Mã Chiêu sau khi dẹp bỏ hầu hết các lực lượng chống đối bèn tính việc đánh Thục, sai Chung Hội và Đặng Ngải chia đường tây tiến.
Khương Duy ở Đạp Trung được tin, bèn viết biểu về triều, đề nghị Lưu Thiện điều động Trương Dực, Liêu Hóa bảo vệ Dương An và Âm Bình. Nhưng Lưu Thiện tin theo Hoàng Hạo, không nghe theo những tờ thư của ông, nên quân Thục không được điều động đi phòng thủ.
Đến khi Đặng Ngải sắp kéo đến Đạp Trung, Chung Hội sắp tiến vào Lạc Cốc, triều đình Thục Hán mới cho Trương Dực, Đổng Quyết dẫn quân tới Dương An lập trại tiếp ứng.
Liêu Hóa tiến đến Âm Bình, nghe tin tướng Ngụy là Gia Cát Tự đến Đình Uy, nên dừng lại chờ đón đánh.
Khương Duy nghe tin 2 cánh đại quân Chung Hội, Đặng Ngải tiến vào, bèn lui về phía đông, trên đường rút lui ông bị Đặng Ngải truy kích. Lúc đó Gia Cát Tự cũng chiếm được Vũ Đô, đến gần Âm Bình, cắt đường rút lui của ông. Ông bị dồn vào Khổng U Cốc[3]. Ông dùng mưu lừa Gia Cát Tự, đốt đầu phía bắc cầu Âm Bình, Tự vội chạy qua phía bắc để chặn, ông bèn mau chóng qua cầu mà sang.
Khương Duy gặp viện binh của Liêu Hóa. Ông lệnh cho Liêu Hóa ở lại Âm Bình chống quân Ngụy, còn mình mang quân ra đánh Chung Hội.
Hội tấn công dữ dội vào Hán Trung và Lạc Thành. Tướng giữ ải Dương Quan là Tưởng Thư đầu hàng, để mặc phó tướng Phó Thiêm tử trận. Hội tấn công Lạc Thành không hạ được, nhưng lại nghe tin một cánh quân của mình đã chiếm được Quan Khẩu nên theo đường đó tiến vào.
Khương Duy, Liêu Hóa bỏ Âm Bình rút lui, gặp Đổng Quyết và Trương Dực vừa kéo đến Hán Thọ. Ông cùng các tướng họp quân rút về Kiếm Các cầm cự với Chung Hội.
Chung Hội viết thư dụ hàng Khương Duy. Ông không trả lời mà lập trại bố phòng. Hai bên giữ nhau khá lâu, quân Ngụy đi đánh đường xa, vận chuyển lương thảo khó khăn nên Hội bị thiếu lương. Chung Hội lo sợ xảy ra bất trắc nên toan tính chuyện rút quân.
Nhưng trong khi Chung Hội bắt đầu nản chí thì Đặng Ngải lại đi tắt theo đường núi Âm Bình, vượt qua Cảnh Cốc, đánh bại tướng Thục là Gia Cát Chiêm ở Miên Trúc rồi tiến thẳng vào Thành Đô. Hậu chủ Lưu Thiện bó tay ra hàng Đặng Ngải.
Khương Duy sai dò tin tức ở Thành Đô, thấy tin đồn lung tung. Vừa có tin Lưu Thiện cố thủ ở Thành Đô, lại có tin Lưu Thiện chạy về Kiến Ninh (Jian Ning)phía nam, lại có tin khác là chạy sang Đông Ngô. Do tin tức không chuẩn, ông bèn lui quân từ Quảng Hán về Thê Huyện. Trên đường đi vừa nghe ngóng tin tức vừa tính việc quân.

Trá hàng Chung Hội

Không lâu sau, có thư của Lưu Thiện ở chỗ Đặng Ngải gửi tới, lệnh cho ông đầu hàng. Khương Duy đau lòng đành phải phụng chiếu. Các tướng sĩ dưới quyền ông vô cùng tức giận, lấy gươm chém xuống đá mà than vãn vì Lưu Thiện không đánh địch đã hàng. Biết Chung Hội và Đặng Ngải có mâu thuẫn, tranh công đánh Thục, ông quyết định đến trá hàng Chung Hội để tìm cơ hội khôi phục nước Thục.
Khi được Chung Hội hỏi vì sao đến hàng muộn, ông chảy nước mắt tỏ ý đau xót nói rằng như vậy đã là sớm. Chung Hội mến tài và lòng trung của ông, nên hậu đãi ông và các tướng Thục. Hội cho ông đi cùng xe, ngồi cùng bàn ăn. Hội rất khâm phục tài Khương Duy, tâm sự với Trưởng sử Đỗ Dự rằng nhân tài nước Ngụy như Gia Cát Đản, Hạ Hầu Huyền không bằng ông[4].
Chung Hội tranh công đánh Thục với Đặng Ngải, vu cho Ngải làm phản, sai Vệ Quán bắt Ngải, định nhân Ngải giết Quán thì Hội sẽ có cớ đánh. Nhưng Vệ Quán tự dùng mưu bắt sống được cha con Đặng Ngải nộp cho Chung Hội. Hội sai giải Ngải về Lạc Dương rồi cùng Khương Duy tiến vào Thành Đô.
Biết Chung Hội có ý phản Tư Mã Chiêu để tranh giành thiên hạ, Khương Duy lấy gương Văn Chủng, Hàn Tín ra nói với Hội để kích động. Chung Hội nghe theo, quyết định làm phản.
Chung Hội muốn giao cho ông 5 vạn quân tiến ra Tà Cốc, còn mình dẫn đại quân theo sau để đánh vào Lạc Dương tranh thiên hạ với họ Tư Mã. Thế nhưng Tư Mã Chiêu cũng trù liệu Hội làm phản nên đã dồn đại quân đến Tràng An, sai Giả Sung lén đến Tà Cốc, đóng quân ở Lạc Thành. Hội biết mình đã bị Chiêu nghi ngờ, bèn mượn cớ Ngụy thái hậu họ Quách có thư sai mình đánh quyền thần Tư Mã Chiêu để ra lệnh các tướng phản lại Chiêu. Các tướng Ngụy không nghe theo, Chung Hội liền sai giam cả lại, rồi cho những người thân tín nắm binh quyền.
Khương Duy thấy thời cơ đã tới, ông kích động cho Hội giết các tướng Ngụy, rồi sẽ tìm cơ hội giết chết Chung Hội để khôi phục nhà Hán. Ông viết mật thư gửi cho Lưu Thiện nói rằng[5]:
"Bệ hạ hãy nhẫn nhục ít ngày, thần muốn làm xã tắc biến nguy thành an".
Trong các tướng bị giam, Hồ Liệt có con là Hồ Uyên đang ở ngoài. Uyên được cha mật báo cho biết việc làm của Chung Hội, bèn ngầm dẫn quân bản bộ cùng Vệ Quán đánh vào Thành Đô, cứu các tướng Ngụy ra. Hồ Liệt trong ngục cũng phao tin rằng Chung Hội chỉ tin tưởng Khương Duy và định chôn sống tất cả quân Ngụy. Vì vậy các tướng sĩ nước Ngụy đều nổi giận, tập hợp binh mã đánh Chung Hội. Khương Duy và Chung Hội không chống nổi cuộc nổi dậy của các tướng Ngụy nên đều bị chết ở Thành Đô đầu năm 264. Ông bị mổ bụng và mọi người thấy quả mật to lớn khác thường.
Khương Duy mất năm 60 tuổi. Họ hàng ông sau đó cũng bị giết.
Sách Hoa Dương Quốc chí cho rằng Khương Duy xui Chung Hội giết hết cả 10 vạn quân Ngụy và được Chung Hội nghe theo, nhưng các sử gia hiện nay cho rằng điều đó không thực tế vì không thể dễ dàng thực hiện được, mà ý định của Khương Duy chỉ giết các tướng Ngụy; do Hồ Liệt phao tin đồn phóng đại lên rằng Chung Hội muốn giết hết họ[6], làm cho các binh sĩ Tào Ngụy sớm biết tin và bị kích động mạnh nên cùng nhau hành động phản kháng; chính lời đồn của Hồ Liệt làm hỏng mưu kế của Khương Duy[5].

Cửu phạt trung nguyên?

Từ năm 247, Khương Duy ra quân đánh Ngụy. Việc Gia Cát Lượng ra Kỳ Sơn 6 lần trước đây được Tam Quốc Diễn Nghĩa gọi là Lục xuất Kỳ Sơn, còn Khương Duy đánh Ngụy được gọi là Cửu phạt trung nguyên. Theo các sử gia Trung Quốc, “Cửu phạt trung nguyên” chỉ chính xác đúng 1 chữ “cửu”, còn 3 chữ sau không chính xác:
  • Phạt: Trong 9 lần đánh nhau với quân Ngụy, không phải tất cả các lần ông chủ động ra quân, mà có lần đánh trong thế bị động.
  • Trung nguyên: Cả 9 lần ông dùng binh đều không phải tại các địa điểm thuộc trung nguyên (vùng trung tâm Trung Quốc)[7]. Khương Duy chỉ đánh vào vùng biên viễn phía tây nước Ngụy. Vì nhà Tào Ngụy cai trị trung nguyên nên việc "đánh Ngụy" được gọi là đánh trung nguyên.

Nhận định

Khương Duy xuất thân là tướng nước Ngụy nhưng gần như cả cuộc đời ông phục vụ nước Thục. Gia Cát Lượng đã nhìn nhận đúng về lòng trung thành với nhà Hán của Khương Duy ngay trong thời gian đầu.
Khương Duy có tài kiêm văn võ, có chí lập công danh, cả đời ông sống cần cù tiết kiệm – giống như phong cách của Gia Cát Lượng. Người đồng liêu của ông là Khước Chính – đã theo Hậu chủ Lưu Thiện sang hàng Ngụy - có nhân định về ông như sau:
"Khương Bá Ước nắm quyền thượng tướng, dưới một người trên vạn người, vậy mà nhà cửa ông lại sơ sài cũ nát, trong nhà cũng không có vật gì quý giá. Ông không có vợ bé, không có thê thiếp thân cận, hậu đường không có đàn sáo hát ca, quần áo chỉ cần đủ mặc, xe ngựa chỉ cần chỉnh tề, không hề có yêu cầu cao xa gì. Việc ăn uống của ông cũng rất hạn chế, không thừa không thiếu là được. Triều đình cung cấp vật dụng tiền nong cho ông, ông liền phân phát hết... Mọi người cho rằng Khương Duy đầu hàng hai nơi, mình thì bị giết, tông tộc bị diệt, vì vậy chỉ trích ông mà không suy xét các mặt khác của ông. Đó chính là theo nghĩa “khen chê” của Kinh Xuân Thu mà nêu cao. Con người Khương Duy học không biết mỏi, tiết kiệm hết mình, thật đáng cho muôn đời học tập"[8].
Bàn về cái chết của ông, đời sau có cách nhìn nhận khác nhau. Tôn Thịnh tỏ ý bài bác, cho rằng Khương Duy là bất trung, bất nghĩa[5], và có thêm nhận xét:
Tiến không được, lùi không thống lĩnh được chư tướng, không bảo vệ được vua Thục, kế sách xây dựng đất nước đi ngược với thời thế, làm nước hèn yếu[9].
Các sử gia Trung Quốc hiện đại coi nhận định của Tôn Thịnh là hoàn toàn sai lầm. Khương Duy phải sang hàng Thục vì bị ngăn đường về nhà, buộc phải đầu hàng nước địch, không thể coi là bất nghĩa; nước mất nhưng không chết theo ngay, một là vì vâng lệnh Hậu chủ Lưu Thiện, hai là vì mưu kế khôi phục, không thể nói là ông không trung[5].
Bùi Tùng Chi có ý kiến khác về cái chết của ông:
Lúc đó Chung Hội đã đến Kiếm Các, Khương Duy và các tướng chống trả quyết liệt... Hội không có cách nào tiến, đã chuẩn bị lui quân, thiếu chút nữa thì Khương Duy lập được đại công bảo vệ nước Thục. Không ngờ Đặng Ngải ngầm đi đường Âm Bình,... Thành Đô tự vỡ… Nếu Khương Duy về chi viện cho Thành Đô, Chung Hội sẽ tập kích đằng sau. Vì vậy nếu trách Khương Duy không bảo vệ được Thục chủ, thật là làm khó cho người… Sau đó Chung Hội… mưu làm việc lớn, giao binh lính cho Khương Duy, dùng ông làm tiền khu. Nếu sự việc không bị vỡ lở, việc ấy thành công… thì khôi phục lại Thục Hán đâu phải chuyện khó... Ta không nên vì sự việc không tiến triển như dự kiến mà cho rằng mưu Khương Duy không tốt. Thử nghĩ, nếu xưa kia Điền Đan định kế xong nhưng cơ hội không tốt mà không thành công thì lẽ nào lại nói Điền Đan ngu xuẩn, đần độn hay sao?[10].
Các sử gia Trung Quốc coi những ý kiến của Bùi Tùng Chi và Khước Chính về ông là “tận tình tận lý, đủ thuyết phục người”[10]. Cái chết của ông được cảm thán là “rất đáng tiếc, rất đáng thương”[5].

Trong văn học

Trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, Khương Duy được mô tả tương đối sát thực với chân dung ngoài đời, tận trung với nhà Thục Hán. La Quán Trung khi đề cập tới việc ông về theo hàng Thục đã hư cấu ra tình tiết: Gia Cát Lượng mến tài ông và muốn thu phục nên đã giương bẫy sai người đóng giả làm Khương Duy làm những điều phản nghịch khiến Mã Tuân nghi ngờ ông và dồn ông vào chỗ buộc phải sang hàng Thục. Điều đó khác với sử sách: Mã Tuân đã nghi ngờ ông và sợ ông ngay từ đầu.
Trong bài ca tóm tắt truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa ở cuối sách, La Quán Trung nói về việc 9 lần ra quân đánh Ngụy của ông:
Khương Duy cậy sức làm già
Chín phen đánh Ngụy kể đà uổng công!
Về cái chết của ông, La Quán Trung mô tả, khi đang đánh giết các tướng Ngụy chống lại ở Thành Đô cùng Chung Hội thì ông bị đau bụng dữ dội không chiến đấu được nữa nên kiệt sức và tự vẫn. La Quán Trung cũng mô tả khi chết Khương Duy bị quân Ngụy mổ bụng, thấy quả mật to như quả trứng gà.
La Quán Trung có bài thơ viếng Khương Duy như sau:
Anh tài người Ký huyện
Hào kiệt đất Lương châu
Con cháu dòng Khương Thượng[11]
Học theo lối Vũ hầu[12]
Mật lớn, gan ai địch?
Lòng trung vững một màu
Thương thay khi tự vẫn
Xiết bao nỗi thảm sầu!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét