Blogroll

Quan Vũ

Quan Vũ (關羽, 162? - 219), cũng được gọi là Quan Công (關公), tự là Vân Trường (雲長), Trường Sinh (長生) là một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. Ông cũng là người đứng đầu trong số ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán theo cách nói của tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, bao gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu. Ông là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi.


Là một trong những nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á, hình tượng của ông đã được tiểu thuyết hóa trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và sau này được khắc họa trong các dạng hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh v.v với những chiến tích và phẩm chất đạo đức được đề cao cũng như được thần thánh hóa trong các câu chuyện dân gian, bắt đầu từ thời kỳ nhà Tùy (581-618). Ông cũng được thờ cúng ở nhiều nơi với tượng mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long yển nguyệt và/hoặc cưỡi ngựa xích thố, đặc biệt là ở Hồng Kông. Tương truyền thanh long đao của ông nặng 82 cân (khoảng 40 kg ngày nay). Trong khi dân gian xem ông như một biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa thì các nhà sử học cũng phê phán ông về các tính kiêu căng, ngạo mạn.

Thân thế

Quan Vũ người Giải Lương, quận Hà Đông. Tam Quốc ngoại truyện cho rằng ông là người Bồ châu[1]. Ông cao chín thước (gần 3 mét ngày nay), mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt.
Theo Quan Đế minh thánh kinh, cụ nội Quan Vũ là Quan Long Phùng, ông nội Quan Vũ là Quan Thẩm (關審), tự là Vấn Chi (問之); cha ông là Quan Nghị (關毅), tự là Đạo Viễn (道遠)[2].

Thời trẻ

Thời trẻ, Quan Vũ làm nghề bán đậu phụ. Tuy nhà nghèo, ông cũng được theo học cả văn lẫn võ[3]. Ông là người vũ dũng, hào hiệp, ghét kẻ ác, thường bênh vực người yếu. Do bênh vực người khác mà ông phạm tội giết người, phải bỏ quê hương đến nương náu ở quận Trác.
Tại quận Trác, Quan Vũ đã gặp gỡ và trở nên thân thiết với Lưu Bị và Trương Phi. Ba người coi nhau như anh em, thề cùng sống chết có nhau.

Tham chiến ở Từ châu

Năm 184, khởi nghĩa Khăn Vàng của Trương Giác nổi lên, Quan Vũ cùng Trương Phi theo Lưu Bị khởi binh dẹp quân khởi nghĩa. Trong quá trình dẹp Khăn Vàng, ông là cánh tay đắc lực của Lưu Bị.
Sau đó Lưu Bị theo Công Tôn Toản làm Bình Nguyên tướng, bèn bổ nhiệm ông và Trương Phi làm Biệt hộ Tư mã, chia nhau thống lĩnh quân đội của Lưu Bị.
Năm 190, Viên Thiệu tập hợp chư hầu đánh Đổng Trác. Lưu Bị và Công Tôn Toản không đến dự hội minh với chư hầu như mô tả của Tam Quốc Diễn Nghĩa. Thực tế Quan Vũ cũng không dự cuộc chiến này và việc ông chém Hoa Hùng chỉ là hư cấu của La Quán Trung; Hoa Hùng bị Tôn Kiên hành hình năm 191 tại Dương Nhân (陽人), sau khi bị Kiên đánh bại.
Năm 193, Tào Tháo mang quân đánh Từ châu báo thù cho cha là Tào Tung vì nghi quan mục Từ châu là Đào Khiêm chủ mưu giết Tào Tung. Đào Khiêm cầu cứu thứ sử Thanh châu là Điền Khải. Khải lại cầu cứu đến Công Tôn Toản. Toản bèn sai Lưu Bị đi cứu. Quan Vũ cùng Trương Phi theo Lưu Bị đi cứu Từ châu với mấy cánh quân cứu viện cùng quân Từ châu tạo thế ỷ dốc khiến quân Tào không thể hạ được thành.
Không lâu sau, Lã Bố đánh chiếm Duyện châu của Tào Tháo. Tào Tháo buộc phải giải vây Từ châu, mang quân trở về cứu. Đào Khiêm rất cảm phục Lưu Bị đã cứu giúp.
Năm 194, do tuổi già sức yếu nên trước khi qua đời, Đào Khiêm tiến cử Lưu Bị làm Từ châu mục.
Lã Bố bị Tào Tháo đánh bật khỏi Duyện châu, bèn chạy đến Từ châu theo Lưu Bị. Ít lâu sau Viên Thuật mang quân đánh Từ châu, trong khi Lưu Bị đang cùng Thuật giao tranh thì Lã Bố đồng mưu với Thuật đánh úp thành Từ châu. Lưu Bị cùng Quan Vũ và Trương Phi mắc kẹt ở Quảng Lăng không có đường về, đành phải trở lại Từ châu hàng Lã Bố, được Bố cho ở thành nhỏ Tiểu Bái.

Trở lại Từ châu

Năm 198, Lã Bố lại trở mặt đánh Tiểu Bái. Tuy Quan Vũ và Trương Phi khỏe mạnh hơn người nhưng vì quân ít nên vẫn bị bại trận và theo Lưu Bị chạy khỏi Tiểu Bái và cầu viện Tào Tháo.
Tháng 9 năm đó, Tào Tháo và Lưu Bị hợp sức mang quân đến đánh Từ châu để trừ Lã Bố. Quan Vũ cũng dự trận này. Quân Tào vây thành đến tháng 10 năm đó, Lã Bố khốn cùng phải chạy lên lầu Bạch Môn. Sách Thục ký chép rằng: trong bước đường cùng, Lã Bố đã mang vợ mình đến chỗ Quan Vũ để lấy lòng ông, hy vọng ông nói giúp với Tào Tháo. Quan Vũ hỏi Tào Tháo rằng có nhận người đàn bà này được không, Tào Tháo nói rằng được. Nhưng sau đó Quan Vũ hỏi thêm mấy lần nữa khiến Tào Tháo cảm thấy hứng thú bèn sai ông mang vợ Lã Bố tới. Khi Quan Vũ mang vợ Lã Bố đến cho Tào Tháo, Tào ưng ý và giữ lại chỗ mình[4].
Cuối cùng Lã Bố bị Tào Tháo đánh đến lầu Bạch Môn và giết chết. Tào Tháo cùng Lưu Bị thu quân về Hứa Xương. Tào Tháo không trả lại Từ châu vốn của Lưu Bị được Đào Khiêm giao cho mà sai thủ hạ là Xa Trụ trấn thủ. Lưu Bị bị giữ lại Hứa Xương để kiềm chế.
Sách Thục ký chép rằng: Có lần Lưu Bị cùng đi săn với Tào Tháo, Quan Vũ lén khuyên Lưu Bị nên nhân lúc mọi người hỗn loạn mà giết Tào Tháo nhưng Lưu Bị không nghe theo vì tình thế không cho phép manh động[5].
Năm 199, Lưu Bị xin đi đánh Viên Thuật, Tào Tháo cấp 1.000 quân cho đi. Quan Vũ và Trương Phi lại hộ vệ Lưu Bị ra mặt trận, giúp Lưu Bị đánh bại Thuật. Thuật thua trận ốm chết.
Lưu Bị thừa cơ dẫn quân đánh chiếm Từ châu, giết Xa Trụ. Quan Vũ được bổ nhiệm làm thái thú Hạ Bì.
Đầu năm 200, Tào Tháo chia quân đi chuẩn bị đánh Từ châu. Lưu Bị biết mình thế yếu bèn sai người đi cầu cứu Viên Thiệu nhưng Thiệu chần chừ không ra quân. Tào Tháo gấp rút tiến đánh Từ châu. Vài ngàn quân của Lưu Bị không chống nổi, bị thua tan tác. Lưu Bị bỏ chạy sang Hà Bắc theo Viên Thiệu, Trương Phi trốn về Nhữ Nam, gia quyến Lưu Bị đều bị bắt; Quan Vũ không có đường chạy, buộc phải đầu hàng Tào Tháo, theo về Hứa Xương.

Phục vụ cho Tào Tháo

Tào Tháo rất trọng vọng ông, phong làm thiên tướng quân,Hán Thọ Đình Hầu. Nhưng Tào Tháo để ý thấy ông không có ý ở lại lâu dài với mình, bèn sai Trương Liêu đến thăm dò ông. Quan Vũ thẳng thắn nói với Trương Liêu:
Tào Công đối với tôi rất tốt, trong lòng tôi biết rõ. Nhưng tôi chịu ơn trời cao đất dày của Lưu tướng quân, từng thề là cùng sống cùng chết, không thể phản bội được. Tôi không thể lưu lại nơi này, chỉ có điều phải đợi lập được công, báo đáp Tào Công thì tôi mới đi.
Trương Liêu trở về nói lại với Tào Tháo. Tào Tháo không những không tức giận mà càng thêm kính trọng ông.
Viên Thiệu theo lời khẩn cầu của Lưu Bị bèn dẫn quân đi đánh Tào Tháo. Thiệu chia quân, một mặt đánh thành Bạch Mã, mặt khác đóng ở bến Diên Tân. Tháng 4 năm 200, Tào Tháo dẫn Quan Vũ và Trương Liêu đi cứu Bạch Mã; mặt khác lại chia quân ra Diên Tân để phân tán sự chú ý của Thiệu. Quả nhiên Thiệu tăng cường thêm quân cho Diên Tân mà không chú ý Bạch Mã. Tào Tháo nhân đó đột ngột thúc quân đánh mạnh ở Bạch Mã. Quan Vũ ra trận, giết chết mãnh tướng của Viên Thiệu là Nhan Lương, giải vây cho thành Bạch Mã.
Tháng 5 năm 200, Quan Vũ cùng Trương Liêu lại theo Tào Tháo đi men theo sông Hoàng Hà về phía tây đến cứu Diên Tân. Viên Thiệu cùng Lưu Bị và Văn Sú mang quân đuổi theo. Quan Vũ giúp Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu một trận nữa tại đây, giết chết được Văn Sú. Vì lực lượng ít hơn địch nên sau đó Tào Tháo hạ lệnh lui quân về phía nam Tế Thủy, tức là bến Quan Độ đóng đồn, còn Viên Thiệu đóng lại ở Diên Tân.
Sau trận Diên Tân, hai bên tạm hưu chiến. Tào Tháo càng khâm phục Quan Vũ, ban thưởng cho ông rất nhiều.
Lưu Bị thấy Viên Thiệu không đủ tài năng để chống Tào Tháo nên bỏ đi tự lập. Quan Vũ sau khi đã lập công trả ơn cũng lẻn trốn đi tìm Lưu Bị. Trong khi Tào Tháo đang theo dõi sát sao tình hình mặt trận Quan Độ và điều quân để quyết một trận kịch chiến thì Quan Vũ gói toàn bộ tặng phẩm của Tào Tháo để lại, viết một lá thư cáo biệt và lẳng lặng ra đi.[6] Thủ hạ của Tào Tháo muốn truy kích ông nhưng Tào Tháo ngăn lại không cho đuổi theo.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung tập trung mô tả việc Quan Vũ lén đi khỏi chỗ Tào Tháo ở Hứa Xương sau trận Diên Tân. Tào Tháo còn kịp đi ra tiễn ông ở Hứa Xương. Trên thực tế hai bên Viên - Tào đối luỹ từ tháng 5 và cả Viên Thiệu lẫn Tào Tháo đều bám sát không rời chiến trường và Quan Vũ rời khỏi đại doanh Tào ở Diên Tân.

Trở lại giúp Lưu Bị dựng nghiệp

Sau đó ông gặp lại được Lưu Bị và Trương Phi, cùng nhau xây dựng lại lực lượng. Lưu Bị liên kết với tướng Khăn Vàng là Cung Đô ở Nhữ Nam. Trong khi đó, Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu trong trận quyết định ở Quan Độ năm 200 và năm sau lại đánh bại Thiệu một trận nữa ở Thương Đình (ven sông Hoàng Hà). Viên Thiệu thu quân về, tinh thần suy sụp.
Tháng 6 năm 201, trong lúc họ Viên suy yếu, Tào Tháo mang quân về Hứa Xương rồi sai Sái Dương mang quân tấn công Lưu Bị ở Nhữ Nam. Quan Vũ cầm quân ra trận giết chết Sái Dương. Tào Tháo bèn tự cầm đại quân đi đánh. Quân Tào giết chết Cung Đô, Lưu Bị không chống nổi, phải bỏ chạy về Kinh châu theo Lưu Biểu.
Tam Quốc Diễn Nghĩa kể việc Sái Dương do Quan Vũ giết trong quá trình "qua 5 ải chém 6 tướng" sau khi chia tay Tào Tháo trước trận Quan Độ nhưng thực ra không có việc qua ải chém tướng của Quan Vũ và Sái Dương bị giết ở trận Nhữ Nam[7].
Năm 208, Tào Tháo sau khi diệt họ Viên, làm chủ toàn bộ trung nguyên, bèn mang quân đánh Kinh châu. Lưu Bị từ Phàn Thành, chuẩn bị mang dân vượt sông, sai Quan Vũ mang mấy trăm chiến thuyền theo dòng sông, hẹn hội binh ở Giang Lăng.
Tào Tháo sợ Lưu Bị chiếm mất Giang Lăng là chỗ chứa nhiều lương thảo, bèn sai 5000 quân kỵ gấp rút đuổi theo. Lưu Bị giao chiến 2 trận đại bại, phải bỏ hết gia quyến chạy về Hán Tân và gặp Quan Vũ.
Tập hợp lực lượng trở lại, Lưu Bị liên kết với Tôn Quyền đánh bại Tào Tháo trong trận Xích Bích cuối năm 208. Trong trận này, Quan Vũ chỉ huy quân chủ lực của Lưu Bị tham chiến, đẩy lui quân Tào về bắc. Sau đó ông cùng Lưu Bị đánh chiếm các quận Kinh châu, được phong làm thái thú Tương Dương, Đãng khấu tướng quân[8].
Tam Quốc Diễn Nghĩa kể tình tiết Quan Vũ trọng nghĩa tha cho Tào Tháo khi ông nhận lệnh đón Tào Tháo thua chạy về ở đường Hoa Dung.

Trấn giữ Kinh châu

Tháng 12 năm 211, Lưu Bị mang quân vào Tây Xuyên, Quan Vũ được giao ở lại giữ Kinh Châu. Kinh châu thời Lưu Biểu nguyên có 7 quận, lúc đó chiến tranh qua lại giữa 3 phe Tào - Tôn - Lưu sau trận Xích Bích, mỗi bên còn giữ một phần: Lưu Bị có 4 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa, Vũ Lăng và một nửa quận Giang Hạ của Lưu Kỳ (con cả Lưu Biểu); Tôn Quyền chiếm được Giang Lăng, nửa quận Giang Hạ và nửa Nam quận; Tào Tháo còn giữ lại quận Nam Dương và nửa Nam quận[9]. Sau khi Lưu Kỳ chết, Lưu Bị tiếp quản phần nửa quận Giang Hạ. Quan Vũ tiếp quản Kinh châu từ tay Lưu Bị với lãnh thổ 4 quận rưỡi.

Hội đàm với Lỗ Túc

Lưu Bị và Tôn Quyền ngoài mặt là em rể và anh vợ[10] nhưng vẫn tranh chấp nhau vùng Kinh châu mà Lưu Bị mang tiếng “mượn” lâu ngày không trả.
Năm 214, nhân lúc Lưu Bị đã vào Tây Xuyên và điều động thêm nhiều quân cùng các tướng giỏi như Triệu Vân và Trương Phi, Tôn Quyền bèn sai Lỗ Túc và Lã Mông đánh mấy quận Kinh châu trong tay Quan Vũ. Quân Đông Ngô đông đảo, đánh chiếm 3 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa. Quan Vũ chỉ còn giữ được nửa quận Giang Hạ và quận Vũ Lăng. Lưu Bị ở Ích châu được tin, thấy tình hình Kinh châu nghiêm trọng, vội mang quân ra thành Công An thuộc quận Vũ Lăng, sai Quan Vũ mang quân đi đánh Lã Mông và Lỗ Túc.
Tôn Quyền cũng đích thân từ Ngô quận tiến ra Lục Khẩu phòng thủ và sai Lỗ Túc dẫn quân ra Ích Dương. Quan Vũ và Lỗ Túc gặp nhau tại Ích Dương. Hai bên hội đàm trước trận. Lỗ Túc hỏi Quan Vũ:
Ba quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa là bên tôi cho các ông mượn, sao các ông không trả lại?
Quan Vũ đáp:
Trong trận Xích Bích - Ô Lâm, Tả tướng quân (Lưu Bị) thân trong bộ ngũ, cùng các ông nhất tề ra sức, phá được quân địch, sao không được chia mảnh đất nào?
Lỗ Túc nói tiếp:
Lần đầu tiên ta gặp Lưu Dự châu (Lưu Bị) của các ông ở Đương Dương Tràng Bản, quân số ông ta không đầy một hiệu, bản thân ông ta hết cách, muốn chạy nạn tới nơi xa. Chúa thượng bọn ta (Tôn Quyền) thương ông ta không nơi nương tựa nên cho ông ta chỗ yên thân (Kinh châu). Không ngờ Lưu Dự châu biết làm việc đạo đức lại vứt bỏ tình nghĩa, bây giờ đã có Ích châu lại muốn có cả Kinh châu. Đó là chuyện người thường cũng không nỡ làm, huống chi Dự châu sao có thể như thế?
Quan Vũ không trả lời được[11]. Hai bên thu quân trở về.
Tam Quốc Diễn Nghĩa kể việc hội đàm này là việc Quan Vũ “một đao tới hội” với Lỗ Túc và không có việc bị đuối lý với Lỗ Túc. Ông còn dùng mưu trí và uy dũng của mình để thoát khỏi sự uy hiếp của quân Đông Ngô.

Giảng hòa rồi bất hòa

Năm 215, thấy tình hình bất lợi và không thể dùng vũ lực đoạt lại các quận đã mất, Lưu Bị đành phải nhượng bộ Tôn Quyền, đề nghị chính thức công nhận chủ quyền 3 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa cho Đông Ngô, xin đổi lấy Nam quận. Tôn Quyền chấp thuận giảng hòa, phân chia lại Kinh châu, lấy sông Tương Thủy làm ranh giới. Quan Vũ tiếp nhận quận Giang Lăng, tướng của Tôn Quyền là Trình Phổ giao lại Giang Lăng, về giữ chức thái thú Giang Hạ. Tôn Quyền giao thêm phần nửa Nam quận cho Quan Vũ; đổi lại Quan Vũ chính thức giao lại quận Trường Sa và Quế Dương cho Tôn Quyền. Như vậy địa bàn Kinh châu của Quan Vũ từ năm 215 chỉ gồm có các quận Vũ Lăng, Giang Lăng và nửa Nam quận. Trên thực tế Quan Vũ vốn chỉ còn giữ được 1 quận và được Tôn Quyền bàn giao thêm 1 quận rưỡi[12].
Tôn Quyền sau đó tiếp tục muốn củng cố tình thân với Lưu Bị, bèn sai sứ giả đến xin cầu hôn con gái Quan Vũ cho con trai mình. Tuy nhiên, Quan Vũ không nhận thức được tầm quan trọng của liên minh Tôn – Lưu như Gia Cát Lượng từng nhấn mạnh, không những ông từ chối mà còn nhục mạ Tôn Quyền. Ông quát vào mặt sứ giả Đông Ngô:
Con gái ta như loài hổ, lại thèm gả cho loài chó à![13].
Từ đó quan hệ giữa Đông Ngô và Kinh châu lại căng thẳng hơn trước. Người duy nhất chủ trương giữ hòa khí với Lưu Bị là Lỗ Túc đã qua đời nên Tôn Quyền chủ trương ngả theo Tào Tháo để lấy toàn bộ Kinh châu[14].

Vây hãm Tương Phàn

Bài chi tiết: Trận Tương Dương-Phàn Thành
Cảnh Quan Vũ bắt tướng Bàng Đức
Năm 219, Lưu Bị đánh chiếm được Đông Xuyên từ tay Tào Tháo, lại đánh lui được đại quân Tào, tự xưng là Hán Trung vương. Quan Vũ được phong làm Tiền tướng quân và ban cho cờ tiết, lưỡi phủ việt.
Trên đà thắng lợi, Lưu Bị sai Quan Vũ đang trấn thủ Kinh châu đem quân bắc tiến. Tháng 7 năm 219, Quan Vũ giao cho My Phương giữ Giang Lăng, Phó Sĩ Nhân giữ thành Công An, còn mình khởi đại quân bắc phạt đánh Tào Tháo. Ông vây hãm thành Tương Dương, sau đó lại vây đánh Phàn Thành do Tào Nhân trấn thủ. Phàn Thành nguy cấp.
Tam Quốc Diễn Nghĩa kể rằng Quan Vũ đánh chiếm được Tương Dương.
Đúng lúc đó thì Tôn Quyền muốn nhân cơ hội Quan Vũ rời Kinh châu để lấy toàn bộ Kinh châu, bèn sai người dâng thư đến xin quy phục Tào Tháo, giúp Tào giáp công đánh Quan Vũ ở mặt đông. Tào Tháo mừng rỡ, nhưng vẫn dùng quyền thuật: một mặt nhận cho Tôn Quyền đầu hàng, lĩnh chức Kinh châu mục; mặt khác lại mang thư đầu hàng của Quyền buộc vào tên, sai quân bắn vào trại của Quan Vũ. Việc làm đó của Tào Tháo đẩy Quan Vũ và Tôn Quyền vào thế không đội trời chung khiến Tào có thể ngồi nhìn hai bên đánh nhau mà vẫn có thể giải vây cho Phàn Thành, giữ yên được mặt nam. Tuy nhiên, Quan Vũ không hoàn toàn tin vào thư đó, cho rằng Tào Tháo lắm mưu mô, phao tin sai để lung lạc mình[15].
Tháng 8 năm 219, mưa nhiều ngày không ngớt, nước sông Hán Thuỷ lên cao. Quan Vũ nhân đó khơi nước sông đổ vào ngoài thành. Bảy đạo quân Vu Cấm và Bàng Đức đóng đồn ở phía bắc Phàn Thành bị nước dìm chết gần hết, số ít bỏ chạy thoát. Cả hai tướng định chạy trốn không được, đều lần lượt bị bắt. Vu Cấm sợ hãi đầu hàng Quan Vũ, còn Bàng Đức không chịu hàng nên bị Quan Vũ sai mang chém.
Phàn Thành rất nguy cấp, nhiều chỗ trong thành bị nước sông làm sói lở, Tào Nhân và các tướng cố sức liều chết chống trả. Tại thành Tương Dương, Lã Thường cũng cố sức cầm cự trước sức tấn công của Quan Vũ. Hai thành bị ông vây ngặt, hoàn toàn không liên lạc được với nhau. Trước tình thế đó, các tướng Tào khác gồm thứ sử Kinh châu[16] là Hồ Tu, thái thú Nam Dương là Trù Phương đều đầu hàng Quan Vũ.
Tào Tháo rất lo lắng, toan tính thiên đô - dời Hán Hiến Đế khỏi Hứa Xương. Sau nghe lời Tư Mã Ý phân tích lợi hại, Tào Tháo mới quyết định không thiên đô, sai Từ Hoảng mang quân đi cứu Phàn Thành.
Quan Vũ nhân đà thắng trận, dẫn quân tiến sâu vào Hiệp Hạ[17], kích động các bộ tộc thiểu số phản Tào. Nhiều lực lượng chống Tào ở phía nam Hứa Xương nhận ấn hiệu đi theo Quan Vũ. Trung nguyên rung động.

Thua trận ra Mạch Thành

Viện binh cứu Phàn Thành bị tiêu diệt, Tào Tháo vội sai Từ Hoảng mang quân đi cứu. Trong khi Quan Vũ mải đánh Vu Cấm thì Tôn Quyền cũng sai Lã Mông mang quân đánh úp Kinh châu.
Quan Vũ vốn hay yêu quý sĩ tốt nhưng lại coi thường các sĩ phu. Vì vậy hai tướng My Phương và Phó Sĩ Nhân vẫn bất mãn với ông[18]. Lã Mông bất thần kéo đến, My Phương và Phó Sĩ Nhân theo lời thư dụ của Lã Mông, không giao chiến đã đầu hàng, dâng Giang Lăng và thành Công An cho Tôn Quyền.
Quan Vũ và Từ Hoảng đều là người quận Hà Đông, từ nhỏ đã quen biết nhau và quan hệ khá tốt[19]. Tuy nhiên khi ra trận lần đó, Từ Hoảng quyết thắng Quan Vũ. Từ Hoảng dương đông kích tây, phao tin đánh đồn Vi Trủng nhưng kỳ thực đánh đồn Tứ Trủng. Quan Vũ mắc mưu nên bị thua nặng. Ông phải hạ lệnh giải vây Phàn Thành rút lui, quân bị rơi xuống sông Hán Thủy chết rất nhiều.
Quan Vũ chạy về nửa đường mới biết Giang Lăng và Công An đã mất. Ông vốn có thể chạy về phía tây bắc (gần Tây Xuyên) đến các quận Thượng Dung và Phòng Lăng, nhưng vì quan hệ với các tướng trấn giữ ở đó là Mạnh Đạt và Lưu Phong không tốt[19] nên cùng đường phải chạy về phía nam ra Mạch Thành[20]. Đến nơi, ông lại biết tin tướng Đông Ngô là Lục Tốn đã đánh chiếm được Nghi Đô. Trong khi Quan Vũ chờ đợi viện binh thì Mạnh Đạt và Lưu Phong án binh không đến cứu.
Tháng chạp năm 219, Tôn Quyền sai người dụ hàng ông. Trong tình thế bị quân Ngô truy kích, Quan Vũ biết không thể dùng lực lượng ít ỏi còn lại để kháng cự, nên một mặt giả vờ đầu hàng, sai một số quân ở lại giương cờ trắng trên thành, còn mình dẫn hơn 10 quân kỵ theo đường nhỏ đổi hướng chạy lên phía bắc, hy vọng men theo đường núi để thoát khỏi sự kiềm tỏa của Tôn Quyền để tới Ích châu hoặc Hán Trung (địa bàn của Lưu Bị).
Khi Quan Vũ chạy tới Lâm Thư[21] thì bị tướng Ngô là Chu Nhiên và Phan Chương chặn đường. Ông bị bộ tướng của Phan Chương là Mã Trung bắt được mang về. Vì không chịu khuất phục Tôn Quyền nên ông bị giết chết.

Tào Tháo hậu táng

Tôn Quyền giết Quan Vũ, sai người mang đầu ông đến Lạc Dương nộp cho Tào Tháo. Tào Tháo không mang đầu Quan Vũ đi bêu mà sai làm lễ tang trọng thể theo nghi thức an táng chư hầu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng: Tào Tháo đã phụ nhiều người, nhưng chưa từng phụ Quan Vũ[22]. Mặt khác việc làm đó còn mang ý nghĩa chính trị không nhỏ: Tôn Quyền nộp đầu Quan Vũ cho Tào Tháo để muốn thiên hạ biết rằng mình giết Vũ theo lệnh Tào Tháo, khiến Lưu Bị chĩa mũi nhọn vào họ Tào; nhưng Tào Tháo trọng táng Quan Vũ lại cho ra thông điệp khác: Tôn Quyền tự ý giết ông. Tào Tháo đã giải toả được sự hiềm nghi của mọi người và lái được mũi nhọn của Lưu Bị trở lại phía Tôn Quyền[23].
Tam Quốc Diễn Nghĩa kể rằng: Ngày Tôn Quyền mở tiệc khao Lã Mông, ông đã quay về giết chết Lã Mông. Vì hoảng sợ và để ly gián Ngụy và Thục nên đem đầu ông đến nộp cho Tào Tháo. Tào Tháo mở hộp đựng đầu Quan Vũ ra nhìn, thấy râu tóc dựng đứng lên, trừng mắt ra nhìn; vì vậy Tào Tháo hoảng sợ tới mức tái phát bệnh đau đầu và không lâu sau cũng chết.
Nhưng trên thực tế, không lâu sau khi đánh chiếm được Kinh châu cho Tôn Quyền, Lã Mông trở về cũng ốm nặng, không ăn uống được gì và qua đời[24].
Quan Vũ qua đời không rõ bao nhiêu tuổi. Tam Quốc diễn nghĩa ghi ông thọ 58 tuổi, tức là sinh năm 162, nhưng các nhà sử học không xác nhận thông tin này là chính xác[25]. Ông được Lưu Bị truy tặng chức Tráng Mậu hầu. Sau này Lưu Bị vì mối thù Quan Vũ đã mang quân đi đánh Tôn Quyền (năm 221).

Gia quyến

Quan Vũ có 2 con trai: Quan Bình và Quan Hưng. Quan Bình theo ông đi chiến trận, bị Đông Ngô bắt giết cùng ông năm 219[26].
Quan Hưng lớn lên ở Ích châu, được Gia Cát Lượng yêu mến, cất nhắc làm Thị trung và Trung giám quân. Quan Hưng qua đời sớm[27].
Quan Vũ còn một người con gái là Quan Phụng, còn gọi là Quan Ngân Bình, Tôn Quyền từng định hỏi cho con trai mình để kết thông gia nhưng ông từ chối.
Con trưởng Quan Hưng là Quan Thống làm tới chức Hổ bôn trung lang tướng, cũng mất sớm không có con trai.
Người con thứ của Quan Hưng là Quan Di, sau khi Quan Thống mất được tập tước Hán Thọ đình hầu.
Khi Thục Hán diệt vong (264), con Bàng Đức là Bàng Hội theo Chung Hội tìm hết nhà họ Quan ở Thành Đô tàn sát để trả thù cho cha[27].

Nhận định

Quan Vũ được đánh giá là người dũng cảm phi thường, đứng đầu toàn quân. Ông trọng điều nghĩa, giữ chữ tín, là bầy tôi trung thành. Dù được Tào Tháo hậu đãi nhưng ông không từ bỏ Lưu Bị; theo Lưu Bị nhiều năm phải trải qua gian lao khó nhọc nhưng ông vẫn một lòng không thay đổi. Ông cùng với Triệu Vân, Trương Phi là nhưng vị tướng theo sớm Lưu Bị nhất và trung thành nhất với Lưu Bị
Các nhà sử học nhất trí đánh giá Quan Vũ là người vũ dũng nhưng kiêu ngạo, không chịu ở dưới người khác[28]. Năm 214, nghe tin Mã Siêu đến hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, Quan Vũ đang ở Kinh châu bèn viết thư cho Gia Cát Lượng hỏi:
Nhân phẩm, tài năng của Mã Siêu có thể so sánh với ai?
Gia Cát Lượng phải lựa lời viết thư lấy lòng Quan Vũ:
Mã Siêu chỉ có thể sánh ngang với Trương Phi, không thể siêu phàm tuyệt luân như ngài!
Ông đọc thư rất đắc ý và mang thư khoe với nhiều người[28].
Năm 219, Lưu Bị lên ngôi Hán Trung vương, phong ông làm Tiền tướng quân và lão tướng Hoàng Trung làm Hậu tướng quân[29]. Quan Vũ thấy mình ở ngang hàng với Hoàng Trung, không bằng lòng, không chịu nhận ấn tín. Phí Vĩ phải lựa lời khuyên ông nên vì nghiệp lớn của Lưu Bị, ông mới tỉnh ngộ và thụ phong.
Khi trấn giữ Kinh châu, Quan Vũ đã không giữ nổi đất và để mất 3 quận. Tôn Quyền trên danh nghĩa “nhận” 3 quận do Quan Vũ bàn giao nhưng trên thực tế đã chiếm được trong tay; họ Tôn lại thực sự trao cho ông 2 quận đang nắm giữ. Việc trở mặt khinh mạn Tôn Quyền của Quan Vũ là một sai lầm. Sau này Tôn Quyền giết ông, các sử gia đánh giá rằng: Lưu Bị và Quan Vũ có nhiều điều không phải với Tôn Quyền, nhưng việc Tôn Quyền ngầm đầu hàng Tào Tháo từng là kẻ thù chung để đánh lén sau lưng Quan Vũ cũng là quá đáng[24].
Trần Thọ, tác giả sách Tam Quốc chí có đánh giá về ông cũng được đời sau ghi nhận là công bằng:
Quan Vũ… sức địch vạn người, hổ thần một thời. Vũ báo ơn Tào công… có phong độ quốc sĩ. Nhưng Vũ cương và tự phụ,… lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy[30].

Trong văn học

Tam Quốc diễn nghĩa

Tác giả La Quán Trung lấy nhà Hán làm chính thống và ủng hộ Lưu Bị, do đó Quan Vũ - người trợ giúp đắc lực của Lưu Bị - được mô tả là nhân vật chính diện, vũ dũng hào hiệp, có khí phách anh hùng.
Tình huynh đệ giữa ông với Lưu Bị và Trương Phi được La Quán Trung ca ngợi. Xuyên suốt trong Tam quốc, cụm từ "kết nghĩa vườn đào" là tượng trưng cho tình nghĩa huynh đệ thắm thiết, keo sơn, không vì phú quý, công danh, khó khăn, hoạn nạn mà mờ phai. Ngoài ra ông còn là một người trọng tình nghĩa, trong trận Trường Bản có nhiều người nói Triệu Vân bỏ sang hàng Tào nhưng ông một mực không tin - Thực ra là Triệu Vân phải phá vòng vây cứu ấu chúa. Ông còn sử dụng lòng nhân từ của mình để thu phục Hoàng Trung, một lão tướng sức địch muôn người.
Cũng theo 'Tam Quốc Chí' thì Vân Trường không tuân theo sách lược của Khổng Minh là “Bắc cự Tào Tháo, Ðông hòa Tôn Quyền”. Tuy Vân Trường nói: “Tôi xin ghi tạc lời Quân sư chỉ bảo”, nhưng ông không thực hiện sách lược đó.
Sau đó, Tôn Quyền khiến Gia Cát Cẩn đến Kinh Châu, nói với Vân Trường: “Tôi đến có ý kết giao hai nhà. Chúa tôi có con trai thông minh, nghe ngài có con gái tuyệt sắc, nên muốn cầu thân. Nếu ưng thuận, chúng ta sẽ hiệp nhau đánh Tào.”
Nhưng Vân Trường nổi giận nói: “Con gái ta ví như loài hổ, há lại gả cho loài khuyển?”
Có lẽ đó là bước ngoặt dẫn đến cái chết của Vân Trường do Đông Ngô gây ra.

Gia quyến

Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng Quan Bình là con nuôi chứ không phải con đẻ của Quan Vũ, Quan Hưng là em của Quan Bình nhưng là con ruột. Ngoài ra tiểu thuyết này còn dẫn thêm một người con nữa của ông là Quan Sách.

Chiến tích

Những nhà nghiên cứu Tam Quốc diễn nghĩa đã tổng kết: Quan Công lập nhiều công trận, trước sau chém được 17 viên tướng ngoài mặt trận:
  1. Chém Trình Viễn Chí - tướng khởi nghĩa Khăn Vàng
  2. Chém Hoa Hùng, tướng của Đổng Trác
  3. Chém Quản Hợi, dư đảng Khăn Vàng
  4. Chém Tuân Chính, tướng của Viên Thuật ở Vu Thai
  5. Chém Xa Trụ, tướng của Tào Tháo ở Từ châu
  6. Chém Nhan Lương, tướng của Viên Thiệu ở Bạch Mã
  7. Chém Văn Xú, tướng của Viên Thiệu ở Diên Tân
  8. Chém Khổng Tú ở ải Đông Lĩnh
  9. Chém Mạnh Thản ở Lạc Dương
  10. Chém Hàn Phúc ở Lạc Dương
  11. Chém Biện Hỉ ở Nghi Thủy
  12. Chém Vương Thực ở Vinh Dương
  13. Chém Tần Kỳ ở Hoạt châu
  14. Chém Sái Dương ở Cổ Thành
  15. Chém Hạ Hầu Tồn ở Tương Dương
  16. Chém Dương Linh - tướng của Hàn Huyền ở Trường Sa
Ngoài ra, ông còn chém Bàng Đức sau khi bắt sống được viên tướng này ở Khoái Khẩu.
Những người trợ thủ đắc lực nhất cho ông ngoài mặt trận trong nhiều năm là con nuôi Quan Bình và Châu Thương.

Những điển tích từ tiểu thuyết

Tranh vẽ Quan Vũ vừa được chữa vết thương ở tay, vừa chơi cờ vây.
  • Đuốc sáng thâu đêm (Minh chúc đạt đán): Kể về sự việc khi Quan Vũ đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo cố ý sắp đặt cho Quan Vũ và 2 bà vợ Lưu Bị ở cùng một phòng để ông mắc lỗi đạo với Lưu Bị và không trở về với họ Lưu được nữa. Nhưng khi Cam phu nhân và My phu nhân đi ngủ, Quan Vũ đứng cầm đuốc bên ngoài canh gác suốt đêm cho tới sáng. Tào Tháo nghe vậy rất khâm phục ông.
  • Một đao đến hội (Đơn đao phó hội): Tôn Quyền muốn lấy lại Kinh châu, Lỗ Túc bày mưu dụ Quan Vũ đến hội ở Lục Khẩu và cho phục binh, nếu ông không đồng ý trả Kinh châu thì sẽ giết chết. Nhưng vì Quan Vũ quá uy dũng, vừa thủ thanh long đao trong tay, vừa nắm lấy Lỗ Túc khiến quân Ngô không thể động thủ. Quan Vũ trở về an toàn.
  • Cạo xương trị thương: Quan Vũ đánh Phàn Thành, bị trúng tên độc của Tào Nhân. Thuốc độc ngấm vào tận xương nguy hiểm tính mạng. Danh y Hoa Đà đến chữa, đề nghị gây mê ông để khỏi nhìn cảnh Hoa Đà khoét thịt cạo độc trong xương. Nhưng Quan Vũ không đồng ý, vẫn thản nhiên ngồi đánh cờ với Mã Lương trong lúc Hoa Đà chữa tay. Chính Hoa Đà phải khâm phục dũng khí của ông.

Vũ khí và ngựa chiến

Nhiều năm chinh chiến và lập công trận, Quan Vũ gắn bó với vũ khí là thanh long đao và ngựa chiến là ngựa xích thố.
Thanh long đao gọi là Thanh long yển nguyệt (yển nguyệt là trăng lưỡi liềm) do ông đặt rèn khi chuẩn bị đánh quân Khăn Vàng từ hồi 1 trong tiểu thuyết.
Con ngựa chiến Xích thố nổi tiếng của ông vốn là ngựa của Đổng Trác. Trác mang tặng Lã Bố để mua chuộc Bố phản Đinh Nguyên về theo mình. Lã Bố bị giết, ngựa về chuồng của Tào Tháo. Tào Tháo muốn lấy lòng ông bèn tặng ngựa xích thố cho ông. Ngựa quý một ngày có thể đi ngàn dặm, sau này theo Quan Vũ qua 5 ải chém 6 tướng và lập nhiều chiến tích khác.

Hiển thánh

Đề cao uy linh dũng khí của ông, La Quán Trung còn mô tả việc ông hiển linh sau khi chết: vật chết Lã Mông trong dinh Tôn Quyền; thủ cấp nổi giận khiến Tào Tháo bệnh nặng qua đời; giúp con là Quan Hưng giết được Phan Chương để trả thù trận Mạch Thành.
Ngoài ra, La Quán Trung còn mô tả việc ông hiện lên đòi trả mạng chết oan khi gặp lại sư Phổ Tĩnh là người đồng hương. Sư Phổ Tĩnh lựa lời khuyên giải, ông mới ra đi.

Trọng Tương vấn Hán

Trọng Tương vấn Hán (仲襄問漢) là tác phẩm văn học khuyết danh tác giả, kể theo thuyết tiền căn báo hậu kiếp hay luân hồi quả báo từ thời Hán Sở tranh hùng cho đến thời Tam Quốc.
Tác giả xây dựng nội dung để hàng loạt nhân vật thời Hán Sở tái sinh, trong đó Tây Sở bá vương Hạng Vũ đầu thai làm Quan Vũ; Hạng Bá và Ung Sĩ từng phản Hạng Vũ phải đầu thai làm Văn Sú và Nhan Lương để Quan Vũ sát hại trong trận Bạch Mã - Diên Tân; các viên tướng tranh giành xé xác Hạng Vũ để lĩnh tước hầu của Lưu Bang đầu thai làm các tướng giữ cửa 5 ải và bị Quan Vũ giết chết trên đường tìm Lưu Bị.

Hình ảnh chuyển thể

Hình ảnh Quan Vũ được chuyển thể lên màn ảnh thông qua các bộ phim truyền hình và điện ảnh, tính đến nay hình ảnh Quan Vũ đã được tái hiện qua nhiều diễn viên khác nhau ở các bộ phim khác nhau như:[31]
  • Bá Lâm trong phim Xích Bích
  • Vu Vinh Quang trong phim Phim 2010
  • Lục Thụ Minh trong phim Phim năm 1994
  • Địch Long trong phim Tam quốc chí: Rồng tái sinh
  • Câu Phong trong phim "Tam quốc anh hùng truyện" hay Quan Công (Kwan kung) của Hồng Kông
  • Vương Vệ Quốc
  • Vương Anh Ban (Wang Yingquan) trong "Quan Công" hay Truyền thuyết Quan Công (2004)
  • Trương Sơn
  • Trần Tử Thành (trong vai Quan Vũ thời trẻ)
  • Doãn Dương Tuấn trong phim "Thần y Hoa Đà"
  • Ngô Mạnh Đạt trong phim "Lộc đỉnh ký"
  • Huỳnh Thu Sinh
  • Dương Phàm trong phim "Tào Tháo"
  • Đỗ Văn Trạch trong phim "Thiết kim cang"
  • Chung Tử Đơn trong phim "Quan Vân Trường" phiên bản mới nhất.

Danh hiệu, tôn thờ

Tại Trung Quốc

Danh hiệu

Quan Vũ được thờ phụng ở nhiều nơi, tôn lên nhiều danh hiệu cao quý.
Sau khi mất, ông được truy tặng chức Tráng Mậu hầu. Thời nhà Tống, Tống Huy Tông truy tôn ông là Trung Huệ Công; Tống Cao Tông tôn ông làm Tráng Mậu Vũ An vương. Đến thời Minh Thần Tông, ông được tôn làm Quan Đế. Vua nhà Minh coi ông là vị thần hộ quốc[32].
Đời Thanh, Càn Long tôn ông làm Trung Nghĩa Vũ Thần đại đế. Năm 1856, người ta cho rằng ông đã hiển linh giúp quân Thanh thắng giặc nên binh lính nhà Thanh thường treo ảnh ông trong doanh trại và đeo tượng ông, coi như bùa hộ mệnh[33]. Cũng vì sự việc này, vua Hàm Phong đã tôn ông lên ngang hàng với Khổng Tử, gọi là Quan Phu Tử. Ông là người thứ hai sau Khổng Tử được tôn xưng là Phu Tử[34].

Tôn thờ

Tào Tháo được xem là người đầu tiên dựng am thờ Quan Vũ, ngay tại quận Tiêu nước Bái quê mình - am Linh Thố[35].
Sau đó nhiều nơi ở Trung Quốc đã lập đền thờ Quan Vũ. Do ảnh hưởng từ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, hình tượng ông càng trở nên thần thánh trong sự ngưỡng mộ của nhân dân. Năm 1914 thời Trung Hoa Dân Quốc, Quan Vũ được thờ chung với Nhạc Phi tại Võ miếu. Tại huyện Thái Hưng tỉnh Giang Tô, ông được thờ cùng Nhạc Phi và Văn Thiên Tường[36].
Việc thờ Quan Vũ có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian. Ông được nhân dân thờ như Thần độ mạng; giới thương nhân coi ông như thần tài; giới nho sĩ coi ông như thần văn học (tượng Quan Vũ trên 1 tay có cầm Kinh Xuân Thu); giới quân sự coi ông như vị thần bảo vệ bản mệnh. Người ta giải thích rằng sở dĩ ông có cả ảnh hưởng tới giới thương nhân vì hồi còn hàn vi ông từng làm nghề bán đậu phụ. Các đao phủ thường giấu đao trong đền thờ ông vì họ cho rằng uy linh của ông sẽ ngăn trở oan hồn về báo oán[37].

Tại Việt Nam

Việc thờ Quan Vũ ở Việt Nam có từ nhiều thế kỷ, từ Bắc đến Nam. Người Việt Nam thờ ông trong nhiều chùa, thờ chung với Phật. Người Việt gọi là Hán Thọ Đình Hầu - hay phổ biến là Quan Thánh Đế Quân. Trong dân gian tôn là thần Trung Nghĩa. Bàn thờ thường đặt trong điện Quan Đế.
Một số nơi thờ Quan Thánh ở Việt Nam[38]:
  • Đền Hồng Sơn, Tp Vinh tỉnh Nghệ An. Còn gọi là Đền Nhà Ông
  • Chùa ông ,Tp Nha trang, đường 23-10
  • Đền Ngọc Sơn hồ Hoàn Kiếm trước đây từng là nơi thờ Quan Thánh.
  • Đền Quan Công ở bến Tây Luông, cách cổng thành Thăng Long 2 dặm.
  • Miếu Quan Đế do Bỉnh Trung Công thời Hậu Lê xây dựng ở phường Hà Khẩu, nay là phố Nguyễn Trung Trực, Hà Nội.
  • Miếu Quan Thánh ở xã Năng Tịnh, huyện Mỹ Lộc, Nam Định.
  • Đền Quan Đế ở xã đông lĩnh, huyện đông Sơn, Thanh Hóa.
  • Đền Quan Thánh ở phố Bắc Hà, huyện Kim Động, Hưng Yên
  • Miếu Quan Công do người Hoa xây dựng ở huyện Phong Thổ, Lai Châu.
  • Miếu Quan Đế ở xã Nước Hai, huyện Hòa An, Cao Bằng.
  • Đền Quan Công tại cạnh chùa Thiên Mụ ở Huế.
  • Chùa Quốc Ân tại Cố đô Huế
  • Đền Quan Công ở Hội An, Quảng Nam.
  • Quan Thánh tự ở Thu Xà, Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi
  • Quảng Đông tỉnh hội quán ở Long Xuyên, An Giang
  • Miếu Quan Đế (Chùa Ông) của người Hoa, Phan Thiết, Bình Thuận.
  • Đại Giác cổ tự ở Biên Hòa, Đồng Nai
  • Đền Quan Công tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận
  • Chùa Quan Đế ở Bình Tây, Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Đền thờ Quan Thánh tại Thành phố Vũng Tàu.
  • Đền Võ Miếu tại phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
  • Chùa Quan Đế của người Hoa tại Mỹ Tho, Tiền Giang
  • Thất Phủ Miếu (Chùa Ông) của người Hoa tại phường 5, thành phố Vĩnh Long, Vĩnh Long.
Những người theo đạo Hòa Hảo làm lễ Quan Thánh vào ngày 24 tháng 6 âm lịch[39]

Tranh và tượng

Quan Vũ được dân gian tạc tượng và vẽ tranh rất nhiều, theo mô phỏng sự mô tả của Kinh Minh thánh: mày tằm hình chữ bát, mắt phượng sáng như sao, râu rồng rõ năm chòm, trán hùm thân lẫm liệt[40].
Thông dụng hơn cả trong tranh, tượng dân gian là hai kiểu: tượng ba ôngtượng năm ông.
Tượng ba ông gồm có Quan Công mặc giáp phục ngồi giữa hổ trướng, tay vuốt râu, tay kia cầm Kinh Xuân Thu; sau lưng hai bên có Quan Bình đứng bên trái giữ ấn, Châu Thương đứng bên phải giữ thanh long đao.
Tượng năm ông tương tự như tượng ba ông, nhưng có vẽ thêm Trương Tiên cầm cung và Vương Thiên Quân cầm giản đứng hầu[41].

Câu đối

Tại những thờ Quan Vũ có rất nhiều câu đối ca ngợi sự nghiệp và đức độ của ông. Những câu đối nổi tiếng nhất về Quan Vũ được ghi nhận là[42]:
Xích diện bỉnh xích tâm, kỵ Xích thố truy phong, trì khu thời, vô vong Xích đế
Thanh đăng quang thanh sử, trượng thanh long yển nguyệt, ẩn vi xứ, bất quý thanh thiên
Dịch nghĩa:
Mặt đỏ lòng son, cưỡi Xích thố như gió, khi rong ruổi không quên vua Đỏ[43].
Đèn xanh xem sử xanh, nương thanh long yển nguyệt, chốn ẩn vi chẳng thẹn với trời xanh
Sinh Bồ châu, sự Dự châu, chiến Kinh châu, thủ Từ châu, vạn cổ thần châu hữu nhất
Huynh Huyền Đức, đệ Dực Đức, cầm Bàng Đức, phóng Mạnh Đức, thiên thu chánh đức vô song
Dịch nghĩa:
Sinh ở Bồ châu, làm việc tại Dự châu (cùng Lưu Bị), chiến Kinh châu, thủ Từ châu, trước giờ chỉ có duy nhất ở Thần châu,[44]
Anh là Huyền Đức, em là Dực Đức, bắt giữ Bàng Đức, tha Mạnh Đức [45], ngàn thu đức lớn không ai sánh bằng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét