Thời kỳ Tam Quốc (phồn thể: 三國, giản thể: 三国, Pinyin: Sānguó) là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc. Một cách chính xác theo khoa học thì nó bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học Trung Quốc cũng như nhiều người dân khác cho rằng thời kỳ này bắt đầu năm 190 khi liên minh chống Đổng Trác được thành lập cuối thời nhà Đông Hán.
Trước đó, phần "không chính thức" của giai đoạn này, từ năm 190 đến năm 220, được đánh dấu bởi sự hỗn loạn của các cuộc giao tranh giữa các phe phái trong rất nhiều khu vực của Trung Hoa, như các cuộc giao tranh của Tào Tháo, anh em Viên Thiệu - Viên Thuật, Tôn Kiên, Lưu Biểu, Lưu Bị, Đổng Trác, Lã Bố, quân Khăn Vàng v.v. Phần giữa của giai đoạn này, từ năm 220 đến năm 263, được đánh dấu bằng sự giao tranh quân sự và ngoại giao của ba quốc gia thù nghịch còn lại là Ngụy (魏), Thục (蜀) và Ngô (吳). Để phân biệt các quốc gia này với các quốc gia cùng tên nhưng trong các thời kỳ trước đó, người ta đã thêm vào: Ngụy là Tào Ngụy (曹魏), Hán là Thục Hán (蜀漢), và Ngô là Đông Ngô (東吳). Phần cuối cùng của thời kỳ này được đánh dấu bằng việc Ngụy tiêu diệt Thục (năm 263), nhà Tây Tấn thay thế Ngụy (năm 265), và Tấn tiêu diệt Ngô (280).
Mặc dù tương đối ngắn, thời kỳ lịch sử đầy hỗn loạn và chinh chiến này đã được tiểu thuyết hóa trong văn học và rất nổi tiếng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và các nước Đông Nam Á. Nó được chuyển thể thành các vở kịch, tiểu thuyết, truyện dân gian, truyện dã sử cũng như trong phim ảnh, phim truyền hình nhiều tập và trò chơi điện tử. Nổi bật nhất trong số đó là tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, một tác phẩm hư cấu dựa phần lớn theo lịch sử. Ghi chép lịch sử chính thức của thời kỳ này là Tam Quốc Chí của Trần Thọ, với sự hiệu đính của Bùi Tùng Chi sau này.
Thời kỳ Tam quốc này cũng là một trong những thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Điều tra dân số cuối thời kỳ nhà Đông Hán cho con số là khoảng 56 triệu người, trong khi đó điều tra dân số trong thời kỳ đầu nhà Tây Tấn (sau khi Tấn thống nhất Trung Quốc) chỉ còn khoảng 26 triệu người. Cho dù con số thống kê có thể có sai số lớn nhưng hoàn toàn đủ cơ sở để nói rằng phần lớn dân số đã chết vì các cuộc chiến tranh liên miên trong thời kỳ này.
Diễn biến lịch sử
Sự sụp đổ của nhà Đông Hán
Hàng loạt các sự kiện đã dẫn đến sự sụp đổ của nhà Đông Hán và sự nổi lên của Tào Tháo rất phức tạp. Cái chết của Hán Linh Đế tháng 5 năm 189 đã dẫn đến thời kỳ nhiếp chính không ổn định của Hà Tiến vốn là Đại tướng quân và sự tái phát của mối bất hòa giữa các hoạn quan và các quan lại khác. Sau khi Hà Tiến bị Trương Nhượng, Đoàn Khuê và nhóm thập thường thị giết thì bộ tướng là Viên Thiệu đã thảm sát các hoạn quan trong triều. Sự hỗn loạn trong triều đã mở đường cho thứ sử Tây Lương là Đổng Trác từ miền Tây Bắc trở về kinh thành Lạc Dương và kiểm soát toàn bộ triều chính, mở đầu cho một cuộc nội chiến trên toàn lãnh thổ Trung Hoa.Đổng Trác liên tiếp sử dụng mưu kế bức bách để vua Hán Thiếu Đế (Lưu Biện) phải nhường ngôi cho em là Trần Lưu vương Lưu Hiệp, tức là Hán Hiến Đế và phế Thiếu Đế làm Hoằng Nông Vương rồi sau đó giết đi. Năm 190 liên minh 10 sứ quân do Viên Thiệu cầm đầu gồm có Viên Thiệu, Viên Thuật, Hàn Phức, Khổng Do, Lưu Đại, Trương Mạo, Trương Siêu, Vương Khuông, Viên Di, Kiều Mạo đã nổi dậy ở các tỉnh miền đông chống lại Đổng Trác[1]. Cùng lúc, một sứ quân ở Ngô quận là Tôn Kiên cũng dấy binh đánh Đổng Trác. Dưới áp lực này, Đổng Trác phải mang Hiến đế chạy về phía tây tới Trường An vào tháng 5 năm 191. Một năm sau đó, ông ta bị con nuôi là Lã Bố giết chết. Từ đây, Trung Quốc bắt đầu trải qua những cuộc giao tranh quân sự trong những năm tiếp theo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét