Blogroll

Tăng Thanh Hà: Chẳng muốn làm thùng rỗng kêu to

Vẫn chừng mực trong các câu chuyện khi chia sẻ cùng báo giới, và dường như sau khi kết hôn cô càng hạn chế trả lời phỏng vấn hơn nữa, nhưng không vì vậy mà Tăng Thanh Hà thiếu cởi mở khi nói về “cuộc sống mới” của mình
Luôn học hỏi các doanh nhân, người thành đạt
- Chị có thể chia sẻ đôi chút về cuộc sống hiện tại - kết hôn rồi có gì khác so với trước đây?
- Thực sự cũng không khác gì nhiều vì tôi đã chuẩn bị cho cuộc sống riêng khá lâu. Tôi là người của công chúng nhưng tinh thần lại khá hướng nội, quan tâm nhiều đến đời sống gia đình nên mọi chuyện cũng khá tuần tự và nhịp nhàng. Tuy nhiên, cũng có một số thay đổi, ví dụ ngày xưa mỗi sáng thức dậy tôi thường gặp cả gia đình lớn, ăn sáng nói chuyện với nhau, còn bây giờ thì tranh thủ cứ rảnh buổi nào là chạy về ăn cơm với mẹ và chơi với các cháu, phải chia thời gian để có thể chăm sóc được cho cả gia đình lớn và gia đình nhỏ của mình.
- Trong lần phỏng vấn cách đây gần 3 năm, chị nói rất thần tượng mẹ mình, vì đã rất chịu thương chịu khó, biết vun vén chu toàn, hy sinh vì chồng con... và người chị tâm sự nhiều cũng như ảnh hưởng nhiều chính là mẹ. Vậy khi có chồng rồi, chị và mẹ có thường tâm sự với nhau nhiều như trước nữa không? Và câu chuyện khi tâm sự của hai người phụ nữ sau khi chị lấy chồng có gì khác?
- Có gia đình riêng hay chưa thì mẹ vẫn là duy nhất, không ai thay thế và có thể thay đổi được. Mẹ là niềm vui, nỗi buồn của tôi, mẹ vui thì tôi vui còn mẹ buồn thì mình cũng buồn. Tôi luôn cố gắng hết sức để mẹ được vui vẻ, để mình được vui lây. Tôi yêu và học hỏi được ở mẹ rất nhiều điều. Kết hôn rồi tôi mới biết người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống gia đình. Mẹ dạy tôi rất nhiều điều từ kinh nghiệm 37 năm là người giữ lửa cho tổ ấm nhỏ. Qua cuộc đời mẹ, tôi nhận ra được giá trị của sự nhẫn nại và giá trị của những yêu thương thầm lặng, không có gì có thể đo đếm được những việc mẹ đã làm cho những người thân. Mẹ luôn cho đi và không giữ gì lại cho mình hết.
- Sau kết hôn, Hà có chia sẻ rằng đang tập trung cho công việc kinh doanh, vậy kinh doanh ở đây là của riêng Hà hay có liên quan đến nhà chồng? Ý tưởng bắt đầu lâu chưa hay chỉ mới đây?
- Làm gì cũng phải có kế hoạch cụ thể thì mới hoàn thành tốt được. Tôi chuẩn bị cho công việc này cũng khá lâu rồi, vì thời gian bận rộn nên đến bây giờ mới có thể bắt tay vào thực hiện được. Tôi muốn mọi thứ phải thật chắc chắn, không thích thùng rỗng kêu to, nên cho tôi được giữ bí mật nhé!
- Vậy những năm học quản trị kinh doanh có phải là nền tảng và động lực cho những dự án kinh doanh hiện tại của Hà, hay có lý do nào khác?
- Tôi luôn đọc, theo dõi và tìm hiểu để học hỏi những câu chuyện về cuộc sống và con đường lập nghiệp của những doanh nhân, người thành đạt. Mỗi câu chuyện là một bài học và là nguồn cảm hứng, động lực khơi gợi tôi luôn cố gắng tìm kiếm một ý tưởng kinh doanh thích hợp với bản thân. Những năm tháng học ở RMIT là khoảng thời gian rất quý giá, tôi học ngành quản trị thương mại, càng học càng thích và càng đam mê. Tuy nhiên đó chỉ là kinh nghiệm trên lý thuyết, bản thân tôi còn phải học hỏi nhiều để có những kinh nghiệm thực tế. 
Người ta thường nghĩ, một diễn viên cần đòi hỏi rất nhiều loại vai diễn khác để chứng minh khả năng của mình. Nhưng tôi nghĩ, một vai phụ nữ có số phận đặc biệt, trải qua nhiều tâm trạng xung đột khác nhau là một vai hay và tôi nên hướng tới.
- Nếu kinh doanh thì phim ảnh sẽ không còn là ưu tiên số một của Hà trong thời điểm hiện tại?
- Phim ảnh là niềm đam mê, còn kinh doanh là con đường tôi đã chọn cho sự nghiệp của mình. Hiện tại tôi tập trung lên kế hoạch cho công việc kinh doanh sắp tới, khi mọi việc đã ổn định, nếu lúc đó có một kịch bản hay và phù hợp tôi sẽ trở lại với niềm đam mê của mình.
Nếu chỉ đóng phim thì nghệ sĩ sẽ sống rất vất vả
- Khi đi học, Hà cũng tạm gác đam mê nghệ thuật để tập trung cho việc học và “nếu có vai diễn nào thích hợp mới cân nhắc”, rồi học xong, Hà lại tập trung cho kinh doanh - cho những gì mình đã học và tích lũy... Vậy với Hà, đam mê cũng được phân định rõ theo kế hoạch của bản thân, hay đã làm nghệ thuật thì gắn bó cả đời, chứ không cần phải hy sinh hoặc theo quan niệm “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”?
- Ở Việt Nam nếu chỉ đi đóng phim thì người nghệ sĩ sẽ rất vất vả để sống. Đó là lý do rất nhiều anh chị diễn viên phải đi chạy show. Nghệ thuật là niềm đam mê mà đã là đam mê rồi thì đâu dễ từ bỏ. Nhưng làm nghệ thuật đâu phải ngày một ngày hai. Sự nghiệp nghệ thuật của một nghệ sĩ có thể là 50 năm và hơn thế nữa. Đi làm những công việc khác cũng là một cách trải nghiệm để mình diễn xuất tốt hơn và sâu sắc hơn.
- Trong năm sau, Hà có nhận lời mời cho kế hoạch phim ảnh nào không?
- Đến thời điểm hiện tại thì chưa. Từ đây đến cuối năm tôi muốn dành thời gian cho gia đình và chuẩn bị công việc sắp tới. Với lại, phim ảnh thì không nên vội. Cái gì cũng vậy, có duyên sẽ gặp, có thêm thời gian chuẩn bị mọi chuyện sẽ chu toàn hơn. Cái này các cụ nói, chậm mà chắc, hay nói cách khác, muốn đi nhanh phải biết cách sống chậm, để đi là đến.
- Đọc những “ước mơ” của Hà trong những bài phỏng vấn trước, có cảm giác Hà là một người phụ nữ của gia đình (muốn làm một cô chủ nhỏ, rồi lấy chồng, sinh con, chăm sóc mái ấm của mình...), và hoàn toàn không thấy mong ước gì cho lĩnh vực nghệ thuật của riêng mình?
- Hôn nhân không gò bó tôi theo đuổi những ước mơ của mình, ngược lại tôi cảm thấy bình yên hơn vì có thêm một người luôn đứng bên cạnh ủng hộ. Cho gia đình, tôi luôn mơ ước sự bình an, đầy đủ, hạnh phúc và sống nhẹ nhàng thôi. Còn trong sự nghiệp tôi ước mọi việc thành công thuận buồm xuôi gió, nhất là trong nghệ thuật thì nhận được những vai diễn hay để mang đến cho khán giả những tác phẩm nghệ thuật có giá trị và được khán giả đón nhận.
 
- Sau những nhân vật đã hóa thân, Hà đang nghĩ đến một vai diễn thế nào cho hành trình tiếp theo của mình?
- Tôi chờ đợi một vai diễn gai góc, đa tâm lý và có nội tâm sâu sắc. Người ta thường nghĩ, một diễn viên cần đòi hỏi rất nhiều loại vai diễn khác để chứng minh khả năng của mình. Nhưng tôi nghĩ, một vai phụ nữ có số phận đặc biệt, trải qua nhiều tâm trạng xung đột khác nhau là một vai hay và tôi nên hướng tới.
- Lâu nay, người xem có vẻ đã quen với khoảng cách xuất hiện - tạo dấu ấn của Hà trong nghệ thuật: thường là 2,3 năm/1 vai diễn? Đó có phải là cách Hà chọn, là nguyên tắc nghề nghiệp hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên? 
- Tôi không quan trọng tần số xuất hiện mà là xuất hiện như thế nào để có thể ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Nếu thời gian cho phép, kịch bản hay và một ê-kíp làm việc giỏi thì không có lý do gì tôi từ chối cả. Không chỉ là diễn viên mà nghề nào trong lĩnh vực nghệ thuật cũng vậy, phải biết cái gì nên làm và khi nào ngưng lại, chứ chạy theo số lượng mà hỏng chất lượng thì dễ bị cho là thiếu  tôn trọng khán giả.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét