Trương Phi (chữ Hán: 張飛; 163 - 221) là danh tướng nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Thân thế
Trương Phi tự là Ích Đức, hay thường được gọi là Dực Đức[2], người Trác Quận (nay là Trác Châu, địa cấp thị Bảo Định, tỉnh Hà Bắc)[1].Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo, làm nghề bán rượu, thân hình to lớn, dung mạo oai phong, được học hành cả võ nghệ lẫn sách vở. Trương Phi viết chữ rất đẹp và là một họa sĩ, ông có sở trường vẽ tranh mỹ nhân[3].
Theo Lưu Bị khởi nghiệp
Khi còn trẻ, Trương Phi đã gặp gỡ và kết giao với Lưu Bị và Quan Vũ. Ba người rất thân thiết với nhau, coi nhau như anh em một nhà.Năm 184, Lưu Bị khởi binh giúp nhà Hán chống quân khởi nghĩa Khăn Vàng, Trương Phi và Quan Vũ theo giúp sức. Nhờ lập công, Lưu Bị được phong làm Huyện úy An Hỷ. Được một thời gian, Lưu Bị bỏ chức Huyện úy vì đánh viên Đốc bưu của triều đình đến hạch sách, Trương Phi theo đi.
- Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng người đánh viên Đốc bưu là Trương Phi khi ông nóng giận, nhưng trong thực tế chính Lưu Bị làm việc này rồi bỏ ấn từ quan[4].
Ít lâu sau, anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi giao tranh với quân cướp địa phương bị bại trận, bèn bỏ huyện Cao Đường đến nương nhờ sứ quân Công Tôn Toản ở U châu. Sau đó Trương Phi lại theo Lưu Bị đến Thanh châu giúp Điền Khải chống Viên Thiệu, đóng quân ở Bình Nguyên.
Lưu Bị được phong làm tướng quốc Bình Nguyên, bèn phong cho Trương Phi làm Biệt bộ tư mã, thống lĩnh quân đội.
Năm 193, ông lại theo Lưu Bị đi cứu Đào Khiêm ở Từ châu bị Tào Tháo vây đánh, giúp Đào Khiêm giữ được thành Đan Dương. Không lâu sau khi quân Tào rút đi (để về chiếm lại Duyện châu từ tay Lã Bố), Đào Khiêm qua đời, trước khi mất tiến cử Lưu Bị làm Châu mục Từ châu.
Để mất Từ châu
Năm 195, Lã Bố thất bại trong cuộc giao tranh với Tào Tháo ở Duyện châu, đến nương nhờ Lưu Bị. Quân phiệt Viên Thuật ở Thọ Xuân (Dương châu) tấn công Lưu Bị để tranh đoạt Từ châu. Lưu Bị mang quân đi Vu Thai kháng cự Viên Thuật, sai Trương Phi giữ thành Hạ Bì (thủ phủ Từ châu). Trương Phi bất hòa với viên tướng cũ của Đào Khiêm là Tào Báo, bèn giết chết Tào Báo.Viên Thuật viết thư cho Lã Bố đề nghị đánh úp Từ châu, đổi lại Thuật sẽ giúp lương. Lã Bố nhận lời, nhân lúc Hạ Bì hỗn loạn do cái chết của Tào Báo, bèn mang quân đến đánh úp Hạ Bì. Viên Trung lang tướng Hứa Đam trong thành Hạ Bì phản lại Trương Phi, mở cửa đón Lã Bố. Trương Phi không chống nổi quân Lã Bố, mang thủ hạ bỏ chạy, không kịp mang theo gia quyến Lưu Bị[7].
Trương Phi chạy đến chỗ Lưu Bị ở Hoài Âm. Do tình thế bức bách, lực lượng yếu không kháng cự được Viên Thuật và Lã Bố, ba anh em Lưu Bị phải quay về Từ châu hàng Lã Bố. Lã Bố tiến cử Lưu Bị làm Dự châu mục, sang đóng ở thành Tiểu Bái gần đó.
Tan rã và tái ngộ
Anh em Lưu Bị phát triển thế lực ở Tiểu Bái khiến Lã Bố lo ngại. Lã Bố bèn mang quân tới đánh. Anh em Lưu Bị thua chạy, đến nương nhờ Tào Tháo. Năm 198, Tào Tháo liên hợp với Lưu Bị khởi đại binh đánh Từ châu, hạ thành Hạ Bì, giết chết Lã Bố. Sau đó ông theo Lưu Bị về Hứa Xương, được Tào Tháo phong làm Trung lang tướng.Năm 199, ông theo Lưu Bị rời Hứa Xương tới Từ châu, ly khai Tào Tháo. Tào Tháo mang quân đánh Từ châu. Ba anh em Trương Phi xung trận thất bại, bị lạc mỗi người một nơi: Lưu Bị chạy sang Hà Bắc theo Viên Thiệu, Quan Vũ phải hàng Tào, còn Trương Phi cầm một cánh quân chạy tới tận Cổ Thành thuộc huyện Chân Dương, quận Nhữ Nam[8]. Tại đây Trương Phi gặp tướng quân Khăn Vàng là Lưu Tiết, bèn hợp quân với nhau làm một cùng nương tựa[9].
Năm 200, Lưu Bị cùng Triệu Vân rời khỏi chỗ Viên Thiệu về Cổ Thành, Nhữ Nam hội với Trương Phi và Lưu Tiết; Quan Vũ cũng đến hội[10]. Cuối năm đó, do giao tranh với Tào Tháo bất lợi, Trương Phi theo Lưu Bị chạy về Kinh châu nương nhờ Lưu Biểu. Ông cùng Lưu Bị đóng đồn ở Tân Dã thuộc quận Nam Dương.
Hoạt động ở Kinh châu
Năm 208, Tào Tháo sau khi tiêu diệt họ Viên làm chủ miền bắc, phát đại quân tấn công Kinh châu. Con Lưu Biểu (mới mất) là Lưu Tông đầu hàng. Lưu Bị không chống nổi Tào Tháo, mang dân vượt sông. Tào Tháo mang quân thiết kỵ truy kích, đuổi kịp Lưu Bị ở Đương Dương Tràng Bản[11].Lưu Bị không kịp chống đỡ, bỏ cả gia quyến chạy, quân bị thua tan tác. Trương Phi theo lệnh Lưu Bị mang 20 kỵ binh đi chặn hậu, ngăn cản quân Tào. Ông đợi Lưu Bị cùng những người đi kịp sang sông rồi đứng lên chặn ở đầu cầu Tràng Bản.
Quân Tào truy kích đuổi đến nơi. Một mình Trương Phi hùng dũng đứng trên cầu cầm xà mâu, không ai trong quân Tào dám tiến lên giao phong[12]. Nhờ đó Lưu Bị cùng các thủ hạ chạy thoát.
Sau trận Xích Bích, Trương Phi giúp Lưu Bị chinh chiến giành quyền kiểm soát phần lớn Kinh châu. Lưu Bị cắt mấy huyện thuộc Nam quận ra thành lập quận Nghi Đô, phong Trương Phi làm Chinh lỗ tướng quân, Thái thú Nghi Đô[13].
Năm 211, Lưu Bị mang quân vào đánh Ích châu của Lưu Chương. Trương Phi cùng Quan Vũ, Triệu Vân và Gia Cát Lượng trấn giữ Kinh châu.
Tôn Quyền nghe tin Lưu Bị đi vắng, bèn phái một đội thuyền đến Kinh châu đón em gái (vợ mới của Lưu Bị) về. Tôn phu nhân muốn mang theo con Lưu Bị là Lưu Thiện lúc đó mới 7 tuổi, về theo. Trương Phi và Triệu Vân nghe tin, vội mang quân ra chặn sông, khuyên Tôn phu nhân ở lại nhưng Tôn phu nhân không nghe. Hai tướng đành để Tôn phu nhân đi, nhưng buộc phu nhân để lại A Đẩu.
Tiến vào Ích châu
Năm 214, do giao tranh tại Ích châu chưa giành được thắng lợi, Lưu Bị triệu tập thêm các tướng ở Kinh châu tham chiến. Trương Phi cùng Triệu Vân và Gia Cát Lượng mang quân vào Tây Xuyên trợ chiến, để Quan Vũ ở lại trấn thủ Kinh châu.- Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng lúc đó Gia Cát Lượng thống lĩnh Trương Phi và Triệu Vân mang cánh quân vào Tây Xuyên. Các sử gia đính chính rằng: thực tế là Trương Phi và Triệu Vân theo lệnh của Lưu Bị mang theo Gia Cát Lượng cùng đi, vì lúc đó chức vụ của Trương Phi (Chinh lỗ tướng quân) cao nhất, sau đó đến Triệu Vân (Nha môn tướng quân), rồi mới đến Gia Cát Lượng (Quân sư trung lang tướng, chức “trung lang tướng” còn kém “tướng quân” một cấp)[14]. Các sử gia còn bàn rộng hơn rằng, lúc đó Trương Phi ngoài chức tướng quân, ông còn có tước đình hầu, như vậy đã có thể xưng “Cô” như Tào Tháo và Tôn Quyền[13].
- Tam Quốc diễn nghĩa mô tả trận này Trương Phi dùng kế lừa Nghiêm Nhan đi ra khỏi thành để vây bắt Nghiêm Nhan
Lưu Chương đầu hàng. Lưu Bị chiếm được Tây Xuyên, bổ nhiệm Trương Phi làm Thái thú Ba Tây.
Đánh bại Trương Cáp
Năm 215, Tào Tháo đánh bại Trương Lỗ, chiếm cứ Hán Trung rồi để lại Hạ Hầu Uyên và Trương Cáp trấn giữ. Trương Cáp mang quân xuống phía nam tiến vào Ba Tây để bắt dân mang về. Trương Phi mang quân ra kháng cự. Hai bên gặp nhau ở Đãng Cừ, Mông Đầu, cầm cự 50 ngày không phân thắng bại. Trương Phi tự mình mang hơn 1 vạn quân ra đường khác chặn đánh Trương Cáp. Trương Cáp gặp đường núi khó di chuyển nên bị Trương Phi đánh bại, phải bỏ ngựa dẫn tàn quân men theo đường nhỏ dốc đứng trốn thoát về Nam Trịnh[17].- Tam Quốc diễn nghĩa mô tả trận này Trương Phi sai người tung tin ông say rượu trong trướng, để hình người nộm để dụ Trương Cáp vào cướp trại rồi đổ phục binh đánh bại Trương Cáp
- "Tướng quân nhà Hán là Phi, suất lãnh một vạn tinh binh đại phá đầu sỏ của giặc là Trương Cáp ở Đãng Cừ, dừng ngựa dựng bia"
Bị giết
Cùng năm 219, anh kết nghĩa của Trương Phi là Quan Vũ bị liên minh Ngô-Ngụy giáp binh đánh bại và bị giết.Năm 221, Lưu Bị lên ngôi hoàng đế, Trương Phi được phong làm Xa kị tướng quân kiêm Tư Lệ hiệu úy, Tây Hương hầu. Lưu Bị khởi binh đi đánh Đông Ngô báo thù cho Quan Vũ, sai Trương Phi cầm quân bản bộ xuất phát từ Lãng Trung đến Giang châu hội binh với Lưu Bị.
Khi đang chuẩn bị tấn công Đông Ngô, Trương Phi bị 2 tuỳ tướng của mình là Trương Đạt và Phạm Cương sát hại[1]. Trương Đạt và Phạm Cương sau đó trốn sang Đông Ngô.
- Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng Trương Phi bắt hai tướng Trương Đạt và Phạm Cương phải gấp rút may đủ áo giáp trắng để tang Quan Vũ trong thời gian ngắn và đánh đập họ khi họ kêu khó hoàn thành nhiệm vụ.
Gia đình
Vợ
Trương Phi lấy Hạ Hầu thị, cháu gọi Hạ Hầu Uyên bằng bác, em họ của Hạ Hầu Bá. Cha mẹ Hạ Hầu thị mất sớm, được Hạ Hầu Uyên nuôi dưỡng và coi như con gái[19]. Năm Kiến An thứ 5 (200), khi khoảng 13-14 tuổi, Hạ Hầu thị ra ngoài kiếm củi thì bị quân của Trương Phi bắt được[19]. Họ có 2 con trai và 2 con gái.Con cái
- Trương Bào, mất sớm[1]. Tam Quốc diễn nghĩa kể Trương Bào là một viên tướng nối nghiệp cha, theo Lưu Bị đi đánh Đông Ngô rồi lại theo Gia Cát Lượng bình định Nam Trung và đánh Tào Ngụy.
- Trương Thiệu. Làm quan tới thị trung thượng thư bộc xạ[1].
- Kính Ai hoàng hậu Trương thị (?-237). Lấy thái tử Lưu Thiện vào năm Chương Vũ thứ 1 (221), tới năm Kiến Hưng thứ 1 (223) được lập làm Kính Ai hoàng hậu của Thục Hán. Mất năm Kiến Hưng thứ 15 (237)[20].
- Trương hoàng hậu, vợ Lưu Thiện. Nhập cung làm quý nhân sau khi Kính Ai hoàng hậu mất. Tháng 1 năm Diên Hi thứ 1 (238) được lập làm hoàng hậu. Sau khi Thục Hán diệt vong năm 263 thì theo Lưu Thiện tới Lạc Dương[20].
Cháu
- Trương Tuân, con Trương Bào, làm quan tới thượng thư. Từng theo Gia Cát Chiêm tới phòng thủ tại Miên Trúc, cùng Đặng Ngải giao chiến và chết tại trận[1].
Nhận định
Trần Thọ, tác giả sách Tam Quốc chí có đánh giá về ông cũng được đời sau ghi nhận là công bằng:- Trương Phi... sức địch vạn người, hổ thần một thời. Phi vì nghĩa thả Nghiêm Nhan... có phong độ quốc sĩ. Nhưng... Phi bạo mà vô ơn, lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy[21].
Trong nghệ thuật
Tam Quốc diễn nghĩa
Trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Trương Phi được mô tả "cao tám thước, đầu báo, mắt tròn, râu hùm, hàm én". Trương Phi đã cùng với Lưu Bị và Quan Vũ kết bái làm huynh đệ trong vườn đào. Ông là em út trong ba người. Ông được Chiêu liệt hoàng đế tức Lưu Bị phong làm một trong ngũ hổ đại tướng.Ông là một người rất khẳng khái, bộc trực và rất nóng nảy. Ông đã đóng góp rất nhiều cho sự ra đời của nước Thục. Ông nổi tiếng với võ nghệ siêu phàm cùng với sự dũng cảm coi thường cái chết. Ông thật sự là nỗi khiếp đảm của quân thù. Như trận đánh cầu Trường Bản, ông đã quát mấy tiếng khiến Tào Tháo hoảng sợ mà lui quân. Khi ấy ông chỉ có vài mươi kị sĩ còn Tào Tháo có trăm vạn hùng binh. Trong trận ấy, viên quan theo hầu Tào Tháo là Hạ Hầu Kiệt đã hoảng sợ đến mức vỡ mật mà chết.
Ngoài ra, ông là một trong 2 tướng đã từng đơn độc giao chiến với Lã Bố mà chưa bị thua chạy hoặc bị giết (người còn lại là Hứa Chử). Trong trận Hổ Lao, để cứu Công Tôn Toản, ông đã đấu với Lã Bố hơn 50 hiệp bất phân thắng bại trước khi Quan Vũ và Lưu Bị ra trợ chiến. Tổng cộng ông đã đấu với Lã Bố 2 trận, tất cả gần 150 hiệp và đều bất phân thắng bại (trong khi Hứa Chử chỉ giao chiến với Lã Bố được 20 hiệp bất phân thắng bại trước khi Tào Tháo sai 5 tướng khác ra trợ chiến)
Cũng chính vì tính nóng nảy của mình mà ông đã chuốc họa sát thân. Do nôn nóng báo thù cho anh là Quan Vũ bị quân Đông Ngô hại nên ông thường đánh đập quân sĩ. Trong đó có hai tên hạ quan dưới trướng là Trương Đạt và Phạm Cương, họ âm thầm sát hại ông vì lo sợ bị ông chém đầu vì không hoàn thành quân lệnh ông giao là phải lo quân trang cờ xí màu trắng cho toàn quân của ông mặc để tang anh là Quan Vũ trong cuộc tấn công báo thù quân Đông Ngô. Đêm đó ông say rượu ngủ và bị đâm chết.
- Ba anh em Lưu Quan Trương
- Mặt nạ Trương Phi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét