Tôn Quyền (chữ Hán: 孫權; 182 – 252), tức Ngô Thái Tổ (吴太祖) hay Ngô Đại Đế (吴大帝), tên tự là Trọng Mưu (仲謀), là người Phú Xuân, Ngô Quận (nay là Phú Dương, Chiết Giang). Ông vị vua đầu tiên của nước Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Thân thế
Tôn Quyền là con trai thứ hai của Tôn Kiên, thủ lĩnh quân phiệt ở Giang Đông, em trai của Tôn Sách. Ông sinh năm 182 TCN.Cuối đời Đông Hán, cha anh Tôn Quyền lần lượt chiếm cứ 6 quận Giang Đông làm căn cứ kình chống nhau giữa các phe phái quân phiệt. Năm 196 TCN, khi Tôn Quyền được 15 tuổi được anh cho cai quản ở đất Dương Di[1], giúp sức cho Tôn Sách chiếm cứ Giang Đông. Năm 200 TCN, Tôn Sách qua đời, con là Tôn Thiệu chưa ra đời nên Tôn Sách giao cho Tôn Quyền kế tập cai trị Giang Đông. Trước khi mất, Tôn Sách dặn Tôn Quyền rằng:
“Việc trong không quyết được thì hỏi Trương Chiêu, việc ngoài không quyết được thì hỏi Chu Du”
Tôn Quyền mới 18 tuổi đã nối chức vụ của anh mình, trở thành người thống trị tối cao ở Giang Đông. Do Tôn Quyền có tài, lại chú ý đoàn kết lực lượng các phe, nên nhanh chóng dành được uy vọng, khiến cục thế Đông Ngô ổn định trong thời hỗn loạn.
Thủ lĩnh Giang Đông
Sau khi Tôn Quyền lên nắm quyền đã được triều đình Đông Hán phong làm Thảo Lỗ tướng quân, thái thú Hội Kê. Ông ra sức củng cố thế lực của mình.Năm 204 TCN, Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu, thống nhất miền Bắc và bắt đầu dòm ngó đến miền Nam. Tào Tháo đòi Tôn Quyền đưa con trai đến làm con tin. Trương Chiêu lo sợ không dám quyết. Tôn Quyền bèn nghe lời Chu Du cương quyết từ chối.
Thiết lập liên minh Tôn Lưu
Tháng 7 âm lịch năm 208, Tào Tháo dẫn đại quân đánh về phía Tây Nam, chiếm Kinh châu. Lưu Bị phải chạy nạn xuống phía Nam và bị quân Tào đánh bại ở cầu Trường Bàn [2].Tôn Quyền nghe tin Tào Tháo tiến vào Kinh Châu, lập tức sai Lỗ Túc lấy danh nghĩa viếng Lưu Biểu bị bệnh vừa mất để dò xét thực hư. Lỗ Túc tìm gặp Lưu Bị bàn việc liên hiệp chống Tào.
Tào Tháo gửi thư cho Tôn Quyền, buộc ông đầu hàng. Triều thần Đông Ngô lúc này chia làm hai phe chủ hàng và chủ chiến, phe chủ hàng do Trương Chiêu đứng đầu dựa vào lí lẽ quân số vượt trội của Tào Tháo, muốn về hàng quân Tào, phe chủ chiến do Lỗ Túc đứng đầu, muốn lập liên minh với Lưu Bị cùng chống Tào Tháo. Quân sư của Lưu Bị là Gia Cát Lượng đến Giang Đông nhờ đại đô đốc Chu Du thuyết phục Tôn Quyền theo phe chủ chiến chống Tào Tháo. Chu Du cho rằng Tào Tháo nói có 83 vạn quân chỉ là phóng đại, số thực của Tào Tháo chỉ khoảng 22-24 vạn, còn lại chỉ là dân phu. Trong số 22-24 vạn quân này thì phần lớn là người phương Bắc không thạo thủy chiến, số thạo thủy chiến thì phần lớn là hàng quân Kinh Châu, vốn chưa phục vụ Tào Tháo lâu dài nên không sẽ không có ý chí chiến đấu cao, cộng thêm đang vào mùa đông, quân Tào ở miền Bắc cũng không hợp thủy thổ dễ sinh bệnh, không thể ở lâu.
Tôn Quyền nghe theo, nghiêng về về phe chủ chiến, cử Chu Du, Trình Phổ cùng Lỗ Túc dẫn 30.000 binh mã ra mặt trận, liên minh với Lưu Bị chống quân Tào. Chu Du dùng kế hỏa công đánh tan quân Tào Tháo ở Xích Bích. Tào Tháo phải rút về Nghiệp Quận, để lại Từ Hoảng và Tào Nhân giữ Giang Lăng, Nhạc Tiến giữ Tương Dương và Mãn Sủng giữ Đương Dương.
Năm 209, Tôn Quyền sai Chu Du đánh chiếm Giang Lăng, buộc Tào Nhân phải bỏ thành này chạy về Tương Dương.
Gả em gái cho Lưu Bị
Năm 209, sau khi đánh bại quân Tào ở Xích Bích, Tôn Quyền gả em gái là Tôn Thượng Hương cho Lưu Bị để giữ hòa hiếu. Năm 213 TCN, nhân lúc Lưu Bị đánh Tây Xuyên, Tôn Quyền sai Chu Thiện đến Kinh Châu đón Tôn phu nhân về. Tôn phu nhân định đem Lưu Thiện (con Lưu Bị) mới bảy tuổi về cùng. Tướng của Lưu Bị là Triệu Vân cùng Trương Phi mang quân ra chặn sông, khuyên Tôn phu nhân ở lại nhưng Tôn phu nhân không nghe. Hai tướng đành để Tôn phu nhân đi, nhưng ép để Lưu Thiện lại.Chiến tranh với Tào Tháo
Tháng 12 năm 208, Tôn Quyền sai Chu Du đem quân chiếm Giang Lăng còn mình đích thân đánh Hợp Phì do Lưu Phức trấn giữ, lại phái Trương Chiêu đi tấn công Đang Đô ở Cửu Giang, nhưng không thành công.Tào Tháo sai Trương Hỉ giải vây Hợp Phì. Quân Tôn Quyền bao vây Hợp Phì đã lâu nhưng vẫn không thể phá thành. Cấp phó của Lưu Phức là Tưởng Tế đã khuyên Phức phái ba tướng đem thư nói giả viện binh Trương Hỉ đã đến ra ngoài thành. Tôn Quyền bắt được hai tướng, mắc mưu Tưởng Tế nên quyết định rút lui.
Tháng giêng năm 213, Tào Tháo đích thân dẫn liên quân thuỷ lục đánh vào Giang Tây doanh của Tôn Quyền. Hai bên giao tranh ở cửa Như Tu[3], nhưng bất phân thắng bại. Theo Tam quốc chí, Tào Tháo cũng thán phục tài của Tôn Quyền, đã nói: "Sinh con phải được như Tôn Trọng Mưu".
Năm 214, Tào Tháo lại giao chiến với Tôn Quyền ở Như Tu, sau rút lui về kinh, sai Trương Liêu, Nhạc Tiến, Lý Điển giữ Hợp Phì. Sau đó Tào Tháo đem quân đánh Trương Lỗ, Tháng 8 cùng năm, Tôn Quyền thấy Tào Tháo ở Hán Trung, bèn dẫn 16 vạn quân tiến đến Lục Khẩu, chuẩn bị đánh Hợp Phì.
Hai tướng Trương Liêu và Lý Điển bất hòa. Trương Liêu sai sứ đem mật hàm đến xin Tào Tháo đem quân cứu viện. Tào Tháo sai Trương Liêu, Lý Điển ra chống, còn Nhạc Tiến thủ thành.
Trương Liêu cho rằng quân của Tôn Quyền thế nào cũng đánh Ngã Môn, muốn cho quân tập kích ở đó đánh Tôn Quyền. Lý Điển cũng đồng tình, bỏ hiềm khích với Trương Liêu.
Trương Liêu tuyển 800 quân, cưỡi ngựa đi đầu xông vào trận địch, chém chết 2 viên tướng của Tôn Quyền, rồi rút lui để nhử. Quân Ngô mắc mưu đuổi theo. Trương Liêu bí mất chặt đôi cầu Tiêu Diêu để bắt sống Tôn Quyền rồi đặt mai phục ở đó.
Qua cầu Tiêu Diêu, quân Ngô bị mai phục, còn cầu đã bị cắt đôi. Trong tình thế nguy cấp, may nhờ viên nha tướng chỉ mẹo nên Tôn Quyền cố gắng thúc ngựa bay qua cầu. Quân Ngô thiệt hại nặng, phải rút lui.
Chiếm Kinh Châu
Năm 215, Lưu Bị chiếm Ích Châu nhưng lại từ chối "giao trả" Kinh Châu cho Tôn Quyền. Tôn Quyền giận dữ sai Lã Mông chiếm ba quận Trường Sa, Linh Lăng và Quế Dương.Năm 219, Lưu Bị lên ngôi Hán Trung vương, thế lực ngày một lớn, gây ra áp lực với Tôn Quyền. Tôn Quyền hoảng sợ, xưng thần với Tào Tháo. Trong khi đó, Tôn Quyền đánh chiếm ba quận Kinh Châu đang do Quan Vũ trấn giữ. Tháng 7 năm 219, Quan Vũ khởi đại quân bắc phạt đánh Tào Tháo, vây hãm Tương Dương và Phàn Thành.
Tôn Quyền muốn nhân cơ hội Quan Vũ bắc tiến để lấy Kinh châu, bèn dâng thư đến xin quy phục Tào Tháo. Tào Tháo cho ông lĩnh chức Kinh châu mục; nhưng lại mang thư đầu hàng của Tôn Quyền bắn vào trại của Quan Vũ. Tuy nhiên, Quan Vũ không tin, cho rằng Tào Tháo phao tin sai để lung lạc mình[4].
Tháng 8 năm 219, Quan Vũ đem quân đánh Tương Dương và Phàn Thành, nhiều tướng họ Tào đầu hàng. Quan Vũ lại dẫn quân đánh Hiệp Hạ[5]. Trong khi đó, Tôn Quyền cũng sai Lã Mông mang quân đánh úp Kinh châu. Hai tướng My Phương và Phó Sĩ Nhân bất bình với Quan Vũ, đầu hàng quân Ngô, dâng Giang Lăng và thành Công An cho Tôn Quyền.
Quan Vũ hạ lệnh giải vây Phàn Thành rút lui về Kinh Châu, mới biết Giang Lăng và Công An đã mất, phải chạy về Mạch Thành[6]. Tháng chạp năm 219, Tôn Quyền sai người dụ hàng Quan Vũ. Quan Vũ giả vờ đầu hàng, nhưng lại dẫn 10 kỵ quân chạy tới Lâm Thư[7] thì bị tướng Ngô là Chu Nhiên và Phan Chương bắt mang về. Từ đó Đông Ngô khống chế toàn bộ phía nam sông Trường Giang, gồm Kinh châu và Dương châu.
Tôn Quyền giết chết Quan Vũ, sai người mang đầu ông đến Lạc Dương nộp cho Tào Tháo. Tào Tháo hậu táng cho Quan Vũ, lại phong Tôn Quyền làm Phiêu kị tướng quân, Kinh Châu mục, tước Nam Xương hầu, nhằm làm Lưu Bị thù hận Tôn Quyền[8]. Tôn Quyền sai sứ là Lương Ngụ đến cống đồ cho nhà Hán.
Chiến tranh với Lưu Bị
Lưu Bị nghe tin Quan Vũ bị giết, nổi giận mang quân đánh Ngô báo thù, mặc dù có nhiều tướng can ngăn nhưng ông không nghe. Lưu Bị dẫn 70 vạn quân Thục đông chinh. Ban đầu quân Ngô liên tiếp thất bại. Tôn Quyền bèn phong Lục Tốn làm Đại đô đốc, chỉ huy quân Ngô đánh Thục.Các lão tướng nước Ngô đều muốn giao chiến trực diện với quân Thục nhưng Lục Tốn không nghe. Lưu Bị đã cho quân đến khêu chiến nhưng Lục Tốn không hề hấn gì. Mãi đến khi biết tin quân Thục đã có dấu hiệu bị bệnh dịch, Lục Tốn mới cho quân giả vờ tấn công vào 1 trại để đánh lạc hướng các tướng Thục, rồi cho quân sĩ dùng hỏa công tấn công vào các trại còn lại. Lục Tốn lại cho quân tổng tiến công. Quân Thục đại bại, toàn quân gần như bị tiêu diệt. Lưu Bị phải rút chạy về phía tây, sau chết ở thành Bạch Đế.
Thần phục nhà Ngụy
Năm 220, Tào Tháo chết, con là Tào Phi cướp ngôi nhà Hán, lập ra nhà Ngụy. Tôn Quyền xưng thần với Tào Phi, được Tào Phi lập làm Ngô vương, gia phong cửu tích. Ông dời sở từ Công Yên[9] đến Vũ Xương[10].Năm 223, Lưu Bị qua đời. Gia Cát Lượng làm thừa tướng nhiếp chính cho vua mới Lưu Thiện, lại sai sứ đến thiết lập lại Thục-Ngô liên minh nhằm chống lại Tào Ngụy ở phía bắc. Từ đó hai nước lại hòa hảo.
Hoàng đế Đông Ngô
Chính sách cai trị
Năm 229, Tôn Quyền xưng đế ở Vũ Xương, lấy quốc hiệu là Ngô, sau dời đô đến Kiến Nghiệp (nay là thành phố Nam Kinh, Giang Tô).Tôn Quyền đối nội thống trị rất nghiêm khắc, đánh thuế nhiều và nặng. Có người khuyên ông:
Ra uy với kẻ tiểu nhân cần dùng hình phạt nặng, nếu đơn độc ngồi giữ Giang Đông thì binh lực hiện có cũng đủ dùng rồi, nhưng đơn độc ngồi giữ Giang Đông không khỏi là hạn hẹp, vẫn cần điều binh trước.
Do đó, Tôn Quyền hết sức phát triển xuống dải đất Đông Nam. Năm 230, Tôn Quyền phái đội thuyền người, do tướng quân Vệ Ôn và Gia Cát Trực suất lĩnh ra biển, đến Di Châu (nay là Đài Loan) nhưng không thu được gì. Đó là sự ghi chép sớm nhất, minh xác nhất trong văn hiến hiện có liên quan đến việc qua lại giữa Trung Hoa đại lục và Đài Loan. Tôn Quyền đem quân tiến về hướng Đông Nam, thúc đẩy việc mở mang một dải đất khu vực này và thực hiện dung hợp dân tộc. Tôn Quyền đã từng sai thứ sử Lục Dận sang Giao Châu (nay thuộc Việt Nam) để đàn áp cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu.
Năm 242, Tôn Quyền sai Nhiếp Hữu đem quân thăm dó đảo Hải Nam.
Qua đời và truyền ngôi
Những năm cuối đời, Tôn Quyền sinh ra đa nghi hiềm khích, đồng thời trong nội bộ nước Ngô cũng xảy ra tranh chấp trong ngôi vị thái tử. Tôn Quyền có tất cả bảy người con trai, trong đó hai người con lớn là Tôn Đăng và Tôn Lự mất sớm. Ông lập con thứ ba là Tôn Hòa làm thái tử.Tôn Hòa và em là Tôn Bá có sự tranh chấp trong triều. Về sau Tôn Quyền không bằng lòng với thái tử Tôn Hòa, muốn phế bỏ lập người khác.
Mẹ của Tôn Hòa và Tôn Bá là Vương Phu nhân cùng con gái Tôn Quyền với Bộ phu nhân là Toàn Công chúa bất hòa. Sau đó, Tôn Hòa đến bái kiến chú vợ, Toàn Công chúa gièm pha với Tôn Quyền rằng Thái tử không biết giữ lễ. Tôn Quyền bèn phế Tôn Hòa, đày ra Trường Sa. Lục Tốn vội dâng thư về triều cực lực khuyên Tôn Quyền không nên bỏ trưởng lập thứ nhưng lời lẽ quá mạnh mẽ khiến Tôn Quyền tức giận, sai sứ đến Vũ Xương trách mắng. Sau khi phế bỏ Tôn Hòa, Tôn Quyền cách chức luôn mấy người cháu của Lục Tốn vì cũng có vây cánh với thái tử Hòa. Thái tử thái phó Ngô Sán vì báo tin cho Lục Tốn biết cũng bị hạ ngục.
Tôn Quyền lập con út là Tôn Lượng làm thái tử.
Năm 252, Tôn Quyền lâm bệnh nặng. Trước khi mất, ông có ý triệu thái tử cũ Tôn Hòa về, nhưng bị Toàn Công chúa ngăn cản.
Cùng năm đó, Tôn Quyền qua đời, hưởng thọ 71 tuổi, táng ở Tương Lăng. Ông được truy tôn là Ngô Đại Đế. Thái tử Tôn Lượng lên nối ngôi, nước Ngô phát sinh lục đục nội bộ và suy yếu.
Gia quyến
- Ông: Tôn Chung
- Cha: Tôn Kiên
- Mẹ: Ngô phu nhân, sau truy tôn Vũ Liệt hoàng hậu
- Anh chị em
- Anh
- Tôn Sách, sau truy tôn là Trường Sa Hoàn vương
- Em trai
- Tôn Dực, được phong thái thú Đương Dương
- Tôn Khuông
- Tôn Lãng
- Em Gái: Tôn Thượng Hương, gả cho Lưu Bị
- Anh
- Thê thiếp
- Tạ phu nhân
- Từ phu nhân
- Bộ phu nhân
- Vương phu nhân, sau truy tôn Đại Ý Hoàng hậu, sinh Tôn Hòa và Tôn Bá
- Vương phu nhân, sau truy tôn Kính Hoài hoàng hậu, sinh Tôn Hưu
- Phan Hoàng hậu, sinh Tôn Lượng
- Viên phu nhân, con gái Viên Thuật
- Triệu phu nhân
- Trọng Cơ, sinh Tôn Phấn
- Tạ Cơ
- Con trai
- Tôn Đăng, tự Tử Cao (mất sớm)
- Tôn Lự, tự Tử Trí
- Tôn Hòa, tự Tử Hiếu
- Tôn Bá, tự Tử Uy
- Tôn Phấn, tự Tử Dương
- Tôn Hưu, tự Tử Liệt
- Tôn Lượng, tự Tử Minh
- Con gái
- Tôn Lỗ Ban, lấy Chu Tuần, sau lấy Toàn Tông
- Tôn thị, lấy Lưu Toản, mất sớm
- Tôn Lỗ Dục, lấy Chu Cứ, sau lấy Lưu Toản
0 nhận xét:
Đăng nhận xét