Nhà Thục sụp đổ
Sau cái chết của Gia Cát Lượng, vị trí Thừa tướng của ông lần lượt do Tưởng Uyển, Phí Vĩ và Đổng Doãn đảm nhận. Sau năm 258, chính trường nhà Thục Hán ngày càng bị kiểm soát bởi các hoạn quan và tham nhũng tràn lan mà điển hình là Hoàng Hạo, lại thêm Hậu Chủ bất tài nhu nhược nên Thục Hán hoàn toàn đi trên vết xe đổ của vua Hán Linh Đế trước kia.Cho dù có những cố gắng đầy nghị lực từ Khương Duy, học trò của Gia Cát Lượng, nhà Thục Hán không thể giành được chiến thắng quyết định trước nhà Ngụy. Tám cuộc tấn công khi được khi thua, nhưng không lấn chiếm được đất đai của Ngụy và khiến lực lượng của Thục bị hao mòn.
Năm 263, quân Ngụy tấn công bằng ba cánh quân và quân Thục phải rút lui khỏi Hán Trung. Khương Duy lui về Kiếm Các tử thủ. Tướng Ngụy Đặng Ngải cùng với con trai, người đã đem quân của mình từ Âm Bình qua những khu vực được cho là không thể vượt qua - đã tiến công đánh bại Gia Cát Chiêm đe dọa Thành Đô. Mùa đông năm đó, kinh đô Thành Đô thất thủ, vua Lưu Thiện đầu hàng. Khương Duy lúc đó đang ở Kiếm Các được lệnh đầu hàng. Khương Duy đến hàng tướng Ngụy Chung Hội. Mặc dù ông đã cố gắng gây chia rẽ các tướng Ngụy để thực hiện một cuộc đảo chính, khôi phục lại nhà Thục Hán nhưng nửa chừng do bệnh tim tái phát nên ông phải đã tự sát ngay giữa trận đánh cuối, kết thúc sự kháng cự cuối cùng của nhà Thục. Nhà Thục Hán kết thúc sau 43 năm tồn tại.
Nhà Ngụy sụp đổ
Từ những năm cuối thập niên 230, những rạn nứt đã xuất hiện và ngày càng trở lên rõ nét hơn giữa họ Tào lúc đó đang cai trị và họ Tư Mã. Sau cái chết của Tào Duệ, chủ nghĩa bè phái đã rõ nét hơn giữa quan nhiếp chính Tào Sảng và tổng chỉ huy quân đội Tư Mã Ý. Cẩn thận hơn, Tào Sảng đã để cho những người thân cận nắm giữ các chức vụ quan trọng và loại bỏ họ Tư Mã, mà ông cho là mối đe dọa. Sức mạnh của họ Tư Mã, một trong những dòng họ địa chủ lớn ở Trung Quốc thời Hán, đã được tăng thêm bởi những chiến thắng quân sự của Tư Mã Ý. Ngoài ra, Tư Mã Ý còn là một nhà chiến lược và chính trị nổi tiếng. Năm 238 ông đánh bại cuộc nổi dậy của Công Tôn Uyên và đưa vùng Liêu Đông về dưới sự kiểm soát của trung ương. Cuối cùng, ông vượt qua Tào Sảng trong trò chơi quyền lực. Nắm lấy cơ hội, nhân lúc những người thuộc phe hoàng gia đi viếng Cao Bình lăng, Tư Mã Ý làm đảo chính ở Lạc Dương, ép lực lượng của Tào Sảng rời khỏi chính quyền. Rất nhiều người phản đối về việc quyền lực nghiêng về gia đình Tư Mã quá nhiều; nổi tiếng nhất là Trúc Lâm Thất Hiền. Một trong bảy người này, Kê Khang, đã bị giết như là một phần của sự thanh lọc sau khi Tào Phương thất thế.Sau khi Tư Mã Ý chết, các con là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu tiếp tục cầm quyền ở Ngụy. Việc đánh dẹp những lực lượng kháng cự trong nước Ngụy như Vô Kỳ Kiệm, Gia Cát Đản và chống lại cuộc xâm lấn của đại tướng Khương Duy bên Thục càng khiến thế lực của họ Tư Mã thêm mạnh. Việc tiêu diệt Thục (263), tuy trên danh nghĩa là Ngụy diệt nhưng thực chất là do Tấn vương Tư Mã Chiêu.
Năm 264, Tư Mã Chiêu chết, con là Tư Mã Viêm lên thay tước Tấn vương. Không lâu sau, Viêm phế bỏ Ngụy Nguyên đế Tào Hoán lên làm vua, tức là Tấn Vũ Đế (265-290).
Nhà Ngô sụp đổ
Sau cái chết của Tôn Quyền năm 252, không có người kế tục xứng đáng, nhà Ngô bắt đầu đi xuống. Trong nước, quyền thần đánh nhau lục đục khiến nội bộ thêm suy yếu. Những cuộc áp chế thành công do Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu tiến hành trước các cuộc nổi loạn ở khu vực Hoài Nam (lãnh thổ Ngụy) đã làm giảm ảnh hưởng của nhà Ngô.Sau khi Cảnh đế Tôn Hưu chết, Tôn Hạo lên thay lại là người tàn bạo độc ác khiến nhân tâm thêm chia lìa.
Năm 269 Dương Hộ, tướng nhà Tấn tại miền nam, bắt đầu chuẩn bị xâm chiếm nước Ngô bằng việc xây dựng hạm đội và huấn luyện thủy quân tại Tứ Xuyên dưới quyền Vương Tuấn. Bốn năm sau, Lục Kháng, vị tướng giỏi cuối cùng của nhà Ngô chết, nước Ngô không còn tướng tài.
Kế hoạch xâm chiếm của nhà Tấn cuối cùng đã diễn ra vào mùa đông năm 279. Tư Mã Viêm ra lệnh tấn công bằng 5 cánh quân đồng thời dọc theo sông Dương Tử từ Kiến Khang tới Giang Lăng trong khi hạm đội từ Tứ Xuyên xuôi dòng tới Kinh Châu dưới sự chỉ huy của các tướng Đỗ Dự, Vương Tuấn. Trước các cuộc tấn công mãnh liệt của quân Tấn, lực lượng nhà Ngô tan rã và Kiến Khang mất vào tháng 3 năm 280. Tôn Hạo đầu hàng, đóng lại một thế kỷ chia cắt đầy biến động.
Kinh tế - xã hội
Pháp luật, đời sống kinh tế
Các sử gia Trung Quốc nhận định: thực ra đời sống nhân dân thời Tam Quốc nếu so với cuối thời Đông Hán có phần tốt hơn. Thời Tam Quốc dù là thời chia cắt và mật độ chiến tranh dày hơn nhưng chính trong thời Đông Hán, nhân dân cũng phải chịu lao dịch nặng, thường phải tòng quân đánh các tộc Ô Hoàn, Tiên Ty.Về đời sống sinh hoạt, các nhà nghiên cứu cho rằng tình hình tốt hơn hẳn. Ngoại trừ Thục Hán trong 9 năm cuối bị hoạn quan Hoàng Hạo thao dúng, nhìn chung trong triều đình cả 3 nước đều không bị nạn hoạn quan lộng hành. Quan lại lớn nhỏ ở cả 3 nước đa số là những người thanh liêm[2].
Pháp luật của Tào Ngụy hơi thiên về sự nghiêm khắc. Đến thời Ngụy Minh đế Tào Tuấn, pháp luật được hiệu đính, về sau trở thành cơ sở pháp luật của một số triều đại khác[2].
Tào Ngụy cũng sáng lập ra chế độ "cửu phẩm" - 9 bậc quan lại. Chế độ này được đánh giá là tiến bộ hơn so với chế độ Hiếu liêm, Mậu tài thời Đông Hán chỉ dựa vào quyền thế của cha anh và cha vợ mà có được[2].
Chính sách đồn điền và thủy lợi của Tào Ngụy tuy nhằm mục đích quân sự là chủ yếu nhưng cũng gián tiếp giúp nhiều cho nông dân[2].
Về tiền tệ, Tào Ngụy sau khi dùng tiền Ngũ thù và thi hành trở lại chính sách hàng đổi hàng. Tại Tây Thục thực hiện chính sách tiền tệ tốt hơn, một thời gian phát hành tiền lớn nhưng sau đó khôi phục tiền Ngũ thù. Thời Gia Cát Lượng chấp chính luôn dùng chính sách thủ tín với nhân dân nên đời sống ở Thục tương đối ổn định. Tôn Quyền cũng phát hành tiền lớn và sau đó lại phát hành tiền lớn ăn 1000 đồng đổi lấy tiền nhỏ của dân.. Về sau, Tôn Quyền thu hết tiền lớn lại[3].
Dân số
Lãnh thổ của ba nước Ngụy, Thục, Ngô rộng hơn thời Đông Hán trở về trước. Ba nước không thể thôn tính được nhau nên tính tới chuyện cùng phát triển ra bên ngoài, thu thập các bộ tộc láng giềng nhỏ yếu hơn và văn hóa kém phát triển hơn. Ngụy thu phục người Tiên Ty, Ô Hoàn; Thục thu thập người Di và người Khương ở Thanh Hải; Ngô thu phục người Việt ở vùng núi ba tỉnh Giang, Chiết, Hoãn[3].Về dân số, nhà Ngụy là mạnh nhất. Khi nhà Ngụy mất (265), quốc gia này có hơn 663.423 hộ gia đình và 4.190.891 người trong phạm vi biên giới của mình. Nhà Thục có 280.000 hộ dân số 940.000 người. Đông Ngô có 523.000 hộ, 2.558.000 người[4]. Như vậy, nhà Ngụy chiếm hơn 58% dân số và khoảng 40% diện tích. Với những nguồn lực này, nhà Ngụy có thể có tới 400.000 quân trong khi nhà Thục và Ngô có thể có 100.000 và 230.000 quân tương ứng: khoảng 10% dân số. Liên minh Thục-Ngô chống lại nhà Ngụy là một liên minh quân sự ổn định; biên giới của ba quốc gia này gần như không thay đổi trong hơn 40 năm[5].
Nhà Ngụy khi diệt Thục có dân số gấp 4 lần Thục, khi Tấn diệt Ngô thì dân số gấp 6,3 lần. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến Ngô và Thục lần lượt mất về tay Ngụy và Tấn[6].
Thương mại và vận tải
Trong thuật ngữ kinh tế sự phân chia thời Tam Quốc phản ánh một thực tế được kéo dài đến tận sau này. Thậm chí trong thời nhà Bắc Tống, bảy trăm năm sau thời kỳ Tam Quốc, có thể nghĩ về Trung Hoa như là một thực thể của ba thị trường khu vực lớn. (Tình trạng của miền tây bắc thì hơi mâu thuẫn, vì nó được liên kết bởi khu vực tây bắc và miền Tứ Xuyên). Sự phân chia địa lý như vậy được nhấn mạnh bởi một thực tế là tất cả các tuyến giao thông chính giữa ba khu vực lớn đều là nhân tạo: Đại Vận Hà ("Kênh đào vĩ đại") liên kết miền bắc và miền nam, việc vận chuyển qua Tam Hiệp trên sông Dương Tử liên kết nam Trung Hoa với Tứ Xuyên và con đường hành lang (gallery road) nối Tứ Xuyên với miền tây bắc. Sự chia cắt thành ba thực thể riêng rẽ này là hoàn toàn tự nhiên và thậm chí được tiên đoán trước bởi những nhà chính trị như Gia Cát Lượng (Xem thêm Kế hoạch Long Trung 隆中對).Văn hóa, nghệ thuật và khoa học
Con của Vương Lãng nhà Tào Ngụy là Vương Túc nổi tiếng trong lĩnh vực cổ văn. Có ý kiến cho rằng chính Vương Túc chứ không phải Khổng An Quốc, mới là tác giả của bộ Cổ văn Thượng thư truyện. Con Vương Túc là Vương Bật được đánh giá là thiên tài, người đã chú giải Lão tử, sau đó lại dùng Lão tử giải thích Kinh dịch[7].Ba cha con Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực được đời sau xếp vào hàng những nhà thơ tiêu biểu cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc. Ngoài thơ ca, Tào Thực còn nổi tiếng với bài phú đài Đồng Tước. Tào Phi tuy kém Tào Thực một bậc nhưng chính là người mở đầu cho thể thơ thất ngôn. Về tiểu thuyết, thời Tam Quốc có Lục dị ký và truyện ma quỷ Sưu thần ký, cũng được cho là của Tào Phi[8].
Một học giả nổi tiếng khác là Cam Bảo, để lại tác phẩm Ngụy Tấn Xuân thu, đây chính là tài liệu mà sau này Bùi Tùng Chi thời Lưu Tống dùng để chú giải Tam Quốc chí. Ngoài ra, còn có các nhà sử học khác như Ngư Quyền viết Ngụy lược, Vi Chiêu viết Ngô thư và Tiêu Chu nhà Thục Hán viết Cổ sử khảo[8].
Về nghệ thuật, hiện nay Bảo tàng Mỹ thuật Boston (Mỹ) còn lưu giữ bức tranh hai người du xuân rất sinh động. Trong nghệ thuật kiến trúc, các chùa Phật giáo, miếu của Đông Ngô rất phát triển: Vũ Xương có chùa Tuệ Bảo, Kiến Nghiệp có viện Thủy Tướng và chùa Bảo Ninh, Ngô huyện có chùa Thông Huyền, huyện Cần có chùa Đức Nhuận. Ở miền bắc, Tào Tháo dựng đài Đồng Tước sau khi thua trận Xích Bích[8].
Về khoa học, thời Tam Quốc đã bắt đầu ứng dụng ma túy và dùng thủ thuật lấy sỏi mật ra. Tên tuổi của danh y Hoa Đà còn truyền đến nhiều đời sau. Người nước Ngụy là Mã Quân có công phát minh ra xe chỉ nam, xe bắn đá; đồng thời cũng được xem là người phát minh ra guồng nước. Ngoài ra, còn có nhà toán học Lưu Huy, tác giả của bộ Hải đảo toán kinh[8].
0 nhận xét:
Đăng nhận xét